Đại diện truyền thông của CGV xác nhận hình ảnh trên được trích ra từ camera nội bộ của đơn vị, đồng thời khẳng định việc này chưa từng xảy ra trước đây dù tại các rạp luôn đặt camera để kiểm soát an ninh.
CGV cũng cho biết đã quy trách nhiệm việc để lọt đoạn clip trên lên mạng cho một nhân viên và người này đã bị cho thôi việc. Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đó. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra từ phía công chúng: Có cần thiết đặt camera giám sát khán giả trong các rạp chiếu phim, khán phòng nhà hát…? Khán giả có được thông báo việc đặt camera giám sát từ phía quản lý rạp, nhà hát hay không? Ai được quyền giám sát khán giả qua màn hình camera? Ai được quyền truy xuất hình ảnh trong thiết bị lưu trữ? Hình ảnh riêng tư của khán giả được bảo mật tới đâu? Trách nhiệm của nhà quản lý như thế nào khi hình ảnh riêng tư của khán giả bị phát tán ra ngoài?...
Từ nhiều năm nay, để bảo vệ an ninh cho khán giả và bản quyền các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, chương trình biểu diễn, các rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu kịch đều gắn hệ thống camera quan sát. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim cho biết từ khi có hệ thống camera giám sát, tình hình an ninh được cải thiện, nhiều vụ việc xảy ra được xử lý kịp thời. Cũng đã có những vụ mất cắp tài sản của khán giả phải nhờ đến những hình ảnh truy xuất từ camera giám sát mới nhận diện được thủ phạm.
Rõ ràng camera giám sát mang lại lợi ích thiết thực cho ban quản lý nhà hát, rạp chiếu phim nhưng còn phía khán giả?
Nhiều ý kiến đồng tình việc gắn camera nhằm mục đích an ninh ở nơi giải trí công cộng nhưng họ đòi hỏi phải được thông báo về việc đó. Khi biết có camera giám sát thu hình, khán giả cũng sẽ biết tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp và để tránh bị lưu lại hình ảnh xấu. Nhưng thực tế không nơi nào cho khán giả biết thông tin đó.
Trên các diễn đàn và tại một số rạp chiếu phim, nhiều khán giả cũng khẳng định họ chưa bao giờ được thông báo là khán phòng rạp chiếu phim có gắn camera hồng ngoại và bày tỏ bất an về quyền riêng tư của mình nếu bị ghi hình một cách bí mật như vậy.
Những thông tin trên màn hình, phát thanh trước giờ chiếu, mở màn biểu diễn hoặc dòng "lưu ý" in trên vé đều chưa đề cập gì đến việc có camera quan sát. Chỉ với những khán giả gặp sự cố về an ninh trong khán phòng mới biết được nơi mình ngồi có gắn camera giám sát, sau khi được quản lý rạp nhắc nhở hay mời lên văn phòng xử lý.
Hành động của đôi nam nữ nói trên nơi công cộng rõ ràng không phù hợp nhưng chỉ đáng được nhắc nhở, cảnh báo chứ không phải bị đưa lên nhằm mục đích bêu xấu trên mạng như vậy. Ở đây, cần truy cứu trách nhiệm người quản lý trong việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng là khán giả!
Bên cạnh đó, các rạp chiếu phim, nhà hát, sân khấu cần có những cách thức quản lý chặt chẽ hình ảnh mà camera giám sát ghi lại. Đó không chỉ là đạo đức kinh doanh mà còn là việc tuân thủ pháp luật về bảo đảm quyền riêng tư của khán giả.
Bình luận (0)