Chiều 8-4, HĐND TP HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường).
Áp lực nhưng cũng là động lực
Một trong những nội dung của kỳ họp là tiến hành bầu chủ tịch HĐND TP khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 thay cho bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghỉ hưu theo chế độ. Với 87/93 đại biểu có mặt tán thành (tỉ lệ hơn 93,5%), các đại biểu đã bầu bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP, làm chủ tịch HĐND TP.
Chia sẻ khi nhận nhiệm vụ mới, bà Lệ nói đây là vinh dự, trách nhiệm lớn lao của bản thân. "Áp lực nhưng đồng thời cũng là động lực giúp tôi tiếp tục phấn đấu, học tập, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP" - bà Lệ bày tỏ.
Bà Lệ hứa sẽ cùng tập thể Thường trực HĐND TP, các ban HĐND TP đoàn kết, phấn đấu để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND TP, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân TP.
Trước đó, các đại biểu HĐND TP đã tiến hành miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐND TP và phó chủ tịch HĐND TP đối với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, bà Trương Thị Ánh; miễn nhiệm chức danh Phó Ban Pháp chế HĐND TP đối với ông Phạm Hiếu Nghĩa. Bà Tâm, bà Ánh và ông Nghĩa nghỉ hưu theo quy định. Các đại biểu cũng tiến hành miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND TP đối với ông Huỳnh Cách Mạng. Ông Huỳnh Cách Mạng được phân công làm Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TP vào ngày 18-3.
Tân Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo TP Ảnh: Hoàng Triều
8 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của HĐND TP khóa IX. Các cá nhân của HĐND TP vừa được miễn nhiệm là những người đã hết lòng, hết sức, tận tâm với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đối với tân Chủ tịch HĐND TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng bà Lệ sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của HĐND TP và HĐND các cấp trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP cũng cho biết có 8 nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2019. Một là, tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TP, tạo không khí thi đua, phong trào lao động sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phát huy sáng kiến, cải tiến trong thực thi công việc. Hai là, tập trung thực hiện 19 nội dung giám sát lĩnh vực kinh tế - xã hội và việc thực hiện Chương trình giám sát, thanh tra, kiểm tra cấp thành phố năm 2019 đã được Ban Thường vụ Thành ủy kết luận.
Ba là, tiếp tục tăng cường thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy tại các cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt. Bốn là, tìm kiếm những giải pháp và thay đổi cách tiếp cận để thu hút nhà đầu tư lớn đầu tư vào TP. Năm là, TP sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để tìm kiếm các giải pháp mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030, đề xuất giải pháp và lộ trình quy hoạch hạ tầng dịch vụ cho các ngành dịch vụ; rà soát, tái cơ cấu quy hoạch sử dụng đất.
Sáu là, triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội năm 2019, xây dựng cơ chế, chính sách bổ sung, điều chỉnh trình HĐND TP để triển khai thực hiện bồi thường, tái định cư cho một số người dân liên quan đến xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao TP. Bảy là, phát huy vai trò báo chí TP để thông tin đầy đủ, kịp thời, có tính xây dựng về phát triển của TP và cả nước, phản ánh được tiếng nói của nhân dân trong việc chống tham nhũng, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Thực hiện truyền thông cổ vũ sáng tạo, khát vọng vươn lên của người Việt Nam, của đất nước và TP. Tám là, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
"Nóng" chi thu nhập tăng thêm
Tại kỳ họp lần này, UBND TP đã trình bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Khi thảo luận về tờ trình này, đại biểu Tất Thành Cang đề nghị chưa thông qua vì vẫn còn nhiều ý kiến chênh nhau. "Nếu thông qua nghị quyết theo dự thảo tờ trình thì có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, tổng chi không thay đổi nhưng bổ sung thêm đối tượng. Thứ hai là thay đổi tổng chi. Để có cơ sở thảo luận, HĐND nên cân nhắc lại" - ông Cang nói. Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính TP Phan Thị Thắng cho rằng cần xin phép thêm ý kiến của Bộ Tài chính về mức chi liên quan đến dự thảo nghị quyết.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nếu các đại biểu vẫn còn nhiều băn khoăn thì có thể dừng tờ trình để nghiên cứu, hoàn thiện kỹ hơn. Sau hơn một giờ thảo luận, 100% các đại biểu có mặt đều nhất trí ngưng thông qua tờ trình này của UBND TP.
Bình luận (0)