Thủy điện Đắk Đrinh nằm trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi với công suất 125 MW. Năm 2013, để thực hiện dự án này, hàng trăm hộ dân của xã Đắk Nên, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum đã phải nhường toàn bộ nhà cửa, đất đai của mình. Đến nay, sau 8 năm kể từ khi thủy điện hoàn thành, chi phí bồi thường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, chỉ riêng ở xã này thì chủ đầu tư vẫn còn nợ hơn 33 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng.
Thời gian gần đây lại nảy sinh tình trạng các hộ dân đánh nhau vì tranh chấp đất. Nguyên nhân là thủy điện đã lấy đất của người dân làng Tu Rét để cấp cho người dân làng Vương, làng Xô Luông (cùng xã Đắk Nên). Đến nay, người dân làng Tu Rét vẫn chưa nhận được tiền bồi thường nên đòi lại đất. Do đó, giữa người dân làng Tu Rét và làng Xô Luông nảy sinh tranh chấp, đánh nhau. Chính vì tranh chấp giữa chủ cũ và chủ mới khiến hàng chục hécta đất bỏ hoang. Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nên, cho biết rất đau đầu khi giải quyết các vụ tranh chấp của người dân.
Những ngôi nhà tái định cư bỏ hoang, không có người ở
Trong khi đó, có 83 hộ dân ở làng Vương và Xô Luông nằm trong diện buộc phải di dời toàn bộ để nhường đất cho thủy điện Đắk Đrinh để đến khu tái định cư Vương - Xô Luông, nằm ở thượng nguồn sông Đắk Đrinh, cách nơi ở cũ hơn 10 km. 72 hộ dân trong số này chấp nhận đến nơi ở mới, còn 11 hộ dân thuộc làng Xô Luông không chấp nhận. Thế nhưng, trong số đến khu tái định cư thì đến nay đã có 37 hộ dân bỏ nhà, quay về nơi ở cũ vì nơi ở mới thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác và lại nằm trên đồi cao, gió thổi mạnh. Những ngôi nhà ở khu tái định cư được xây dựng theo kiểu nhà sàn bê-tông, mái ngói, với mỗi căn trị giá từ 400-600 triệu đồng nhưng giờ đây quanh nhà cây cối mọc um tùm, tường bám đầy rêu, sàn cửa gỗ mục nát, xiêu vẹo, bể nước khô cạn, nứt nẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh đã có báo cáo đề xuất với Bộ Công Thương, các bộ, ngành trung ương và Chính phủ xem xét, giải quyết. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư rà soát, kiểm tra, giải quyết triệt để việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dự án thủy điện này. Hiện UBND tỉnh Kon Tum ý kiến thống nhất của các bộ, ngành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Bình luận (0)