Từ xóm nghèo…
“Dân ở Bùi Viện, từ người lớn đến người trẻ ít nhiều cũng nói được vài từ tiếng Anh. Cho nên gọi phố Bùi Viện là phố Tây cũng là điều đương nhiên"- ông Trần Văn Thanh (68 tuổi, ngụ chung cư số 6 Bùi Viện), từng làm công an khu vực tại phố Tây Bùi Viện, bày tỏ.
Sống hàng chục năm ở đây, thuộc từng con hẻm, dường như ông Thanh rất rành khi nói về dòng chảy lịch sử ở phố Tây.
Đêm xuống tại phố Bùi Viện, quận 1, TP HCM khách nước ngoài đông hơn người Việt.
Ông Trần Văn Thanh, Bí thư khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM chia sẻ dòng chảy lịch sử ở Bùi Viện.
Ông Thanh kể trước năm 1975, khu vực này là những căn nhà lụp xụp, dân lao động chạy ăn từng bữa. Đến đầu thập niên 80, cuộc sống vẫn lận đận. Hàng trăm người từ khu vực kinh tế mới di chuyển về đây tạm cư. Rất nhiều người sinh sống ngoài đường.
Người dân ở đây làm hai công việc chính: phụ giúp việc ở các khu chợ và làm "cò" vé ở rạp Nguyễn Văn Hảo.
"Bùi Viện lúc đó nghèo và khổ lắm. Có những đám tang không đủ tiền để lo hậu sự"- ông Thanh nhớ lại.
Ban ngày Bùi Viện vắng người, mọi thứ tĩnh lặng.
Nhưng về đêm rất đông vui.
Sự đổi thay rõ nhất là sau cuộc đổi mới từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986). Thời điểm đón nhận những đoàn khách nước ngoài, không hiểu cơ duyên nào mà nhiều người lựa chọn nơi đây để lưu trú. Có thể do giá thuê rẻ, phù hợp với dân Tây "balô" và họ chọn ở đây để được trải nghiệm đời sống của người dân Việt Nam. Thế là, một vài hộ bắt đầu vay mượn tiền để trùng tu lại căn nhà cho khách nước ngoài thuê.
Từ việc này, nhiều hộ dân bắt đầu mở nhà hàng, khách sạn và hàng loạt dịch vụ khác mọc lên. Đời sống người dân có sự thay đổi rõ rệt theo từng ngày.
"Cuộc "cách mạng" thứ hai khiến Bùi Viện thay da đổi thịt rơi vào năm 2017. Từ con phố bình thường nơi đây quy hoạch thành phố đi đi bộ. Ban đầu, nhận tranh cãi lớn. Đối với những hộ dân có nhà mặt tiền ủng hộ hết mình nhưng dân trong hẻm lo lắng tình trạng phức tạp, xáo trộn đời sống. UBND TP quyết tâm làm thử nghiệm và kết quả vài tháng thấy lợi ích rất lớn. Khách đến đông hơn, các trang tạp chí nước ngoài liên tục có những bài viết gợi ý Bùi Viện là địa điểm thú vị phải đến một lần khi vào Việt Nam.
Tối 20-8-2017, Phố đi bộ Bùi Viện chính thức khai trương mở ra cuộc sống mới của người dân hai bên đường.
Một căn nhà vài m2, nằm sâu trong hẻm trước khi thành lập phố đi bộ được định giá 3 tỉ đồng, nay đã bán lên 43 tỉ đồng.
"Cuộc sống bà con ở đây thay đổi từng ngày một. Những người già, người nghèo ở trong hẻm chỉ cần chịu khó làm tạp vụ ở các khách sạn cũng thu về 300.000-400.000 đồng/buổi", ông Thanh mô tả nhịp sống phố Tây.
Dễ dàng kiếm tiền triệu
Chúng tôi ghé vào căn nhà cũ kỹ của bà Bùi Thị Ái (77 tuổi). Dù tuổi cao nhưng bà có thể kiếm được hơn nửa triệu đồng/ngày bằng việc rửa chén thuê, bán đồ ăn đường phố, cạo gió… "Hai mươi năm trước, húp cháo sống qua ngày. Bây giờ khách du lịch đến đông đúc, chịu làm là có tiền ngay"- bà Ái nói.
Cuộc sống sôi động ở Bùi Viện diễn ra về đêm. Ở "ngã tư Quốc tế" (giao lộ Đề Thám - Bùi Viện) luôn sáng đèn, đông đúc khách nước ngoài lui tới. Tại đây có những nhà hàng, quán bar với phong cách Mỹ latinh. Đầu đường, có hẳn cửa hàng cà phê Starbucks, đoạn giữa cà phê Cộng đậm chất nét bao cấp Hà Nội. Càng vào sâu bắt gặp những quán bar, bia đường phố với tiếng nhạc xập xình. Xen kẻ là mùi cà ri từ những nhà hàng Ấn Độ, béo ngậy phô mai ở tiệm bánh pizza tỏa ra đường phố.
Ở đầu các con hẻm, những cô gái trẻ mời khách nước ngoài sử dụng dịch vụ spa, xoa bóp chân. Họ có thể nói rành trên dưới 3 thứ tiếng khác nhau. Nhóm trẻ và người già trong hẻm bận rộn việc mời khách mua đồ ăn vặt như mực khô, cá viên chiên...
Bùi Viện trong những ngày nghỉ lễ, tết chỉ chen chân nhau đi - Ảnh: Hoàng Triều
Ông Lê Hưng Phú, chủ một cửa hàng bia trên đường Bùi Viện, cho biết giá thuê nhà ở đây từ 5.000-10.000USD/tháng. Để có thể bù lại tiền thuê, chỉ có thể kinh doanh bia "bệt". Tức cho khách ngồi vỉa hè uống bia với giá bình dân, nghe nhạc từ những chiếc loa kẹo kéo chứ kinh doanh tranh, may âu phục khó sống nổi.
Ông Phú phân trần: "Phong cách bia đường phố cũng "tô điểm" thêm nét đặc sắc cho khu phố này. Giới trẻ và khách nước ngoài được ngồi cùng nhau rất gần gũi. Bùi Viện thật sự sôi động từ 22 giờ đến 2 giờ hôm sau".
Hơn 30 năm, Bùi Viện thật sự đổi mình, ai đi xa lâu năm trở về sẽ bị choáng ngợp.
Cuốn sách Đường phố TP HCM có nêu, thời Bảo Đại đường Bùi Viện có tên là Bảo Hộ Thoại. Đến ngày 6-10-1955 được chuyển thành tên chính thức là Bùi Viện và kéo dài đến ngày nay.
Nơi đây từng có tên nổi tiếng "Ngã tư Quốc Tế". Lý do, xung quanh có nhiều rạp hát, nhà in, toà soạn một số nhật báo, tuần báo, tạp chí... Mỗi sáng dân nghệ sĩ, cải lương, ký giả ngồi với nhau kể đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất. Dân tri thức thời đó, tạm gọi là "Ngã tư Quốc Tế".
Bình luận (0)