Cách thủ đô Hà Nội hơn 160 km và TP Thanh Hóa khoảng 17 km, bãi biển Sầm Sơn đã được người Pháp phát hiện từ hơn 100 năm trước. Nơi đây được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất Bắc Trung Bộ và từng được mệnh danh là "chốn nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương".
Ngỡ ngàng trước đổi thay
Bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn từng một thời gian dài mang "tai tiếng" khiến nhiều khách du lịch ác cảm. Đó là vào khoảng thời gian trước năm 2015.
Khi ấy, chuyện du khách đến Sầm Sơn bị "chặt chém", chèo kéo, bán hàng gian dối... xảy ra như cơm bữa. Nhiều người còn nhớ thời gian đó, cách làm du lịch ở đây manh mún, tự phát. Cứ đến mùa hè, người dân lại kéo nhau ra biển làm du lịch - mạnh ai nấy làm. Việc thu tiền khách vô tội vạ đã thành chuyện thường ngày ở vùng biển này. Bởi vậy, ở Thanh Hóa mới lan truyền câu cửa miệng "Dân Sầm Sơn "mài dao" cả năm, "chặt chém" 3 tháng".
Khách du lịch tắm biển Sầm Sơn dịp cuối tuần
Với thực trạng này, nhiều người khi đến Sầm Sơn đã phải ôm "cục tức". Thậm chí, không ít du khách còn thề không bao giờ quay lại.
Bây giờ thì khác, nhiều du khách khó tính đã có cái nhìn thiện cảm về vùng biển này. Liên tục trong những năm qua, Thanh Hóa mạnh tay xử lý vấn nạn "chặt chém", bán hàng gian dối; từng bước đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giao thông…, giúp Sầm Sơn nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn.
Về Sầm Sơn bây giờ, du khách không chỉ tắm biển mà còn được vi vu xe điện lên khám phá núi Trường Lệ, hòn Trống Mái. Du khách có thể thoải mái vui chơi trong những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, khám phá các làng chài, đắm mình trong các lễ hội đường phố, những đêm nhạc sôi động tại các bãi biển vào dịp cuối tuần.
Anh Trần Đăng Hưng - một du khách đến từ Nam Định - cho biết năm 2011, gia đình anh vào Sầm Sơn nghỉ ngơi, sau lần đó đã tính không quay lại nữa. "Hồi đó, gia đình đưa mấy đứa nhỏ lên núi Trường Lệ chơi. Bọn nhỏ ra cưỡi ngựa, chụp ảnh. Buổi sáng người ta lấy một giá, trưa lấy giá khác, vợ tôi có ý kiến còn bị dọa đánh. Từ đó, gia đình tôi không quay lại Sầm Sơn nữa" - anh kể.
Anh Hưng cho biết mãi đến tháng 6 vừa qua, lớp của anh tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày ra trường và nhiều người bàn nhau nên chọn địa điểm là Sầm Sơn. "Tôi chẳng muốn đi nhưng phải theo lớp. Sau hơn 10 năm, nay trở lại, tôi thực sự ngỡ ngàng trước đổi thay của Sầm Sơn. Tiếp xúc người dân nơi đây, những định kiến trước kia của tôi dần tiêu tan. Sầm Sơn đã thực sự khác trước" - anh Hưng nhận xét.
Chị Phạm Thị Mỹ Ly - đến từ Thái Nguyên - cho biết mấy năm gần đây, gia đình chị thường xuyên vào Sầm Sơn nghỉ ngơi, tắm biển. Với chị Ly, vùng biển ở các tỉnh phía Bắc chị đã đi nhiều, trong đó Sầm Sơn là đẹp nhất. Sầm Sơn có bờ biển dài, cát trắng, nước biển sạch...
"Sầm Sơn thay đổi nhanh quá, nhất là khoảng 5 năm trở lại đây. Cảnh "chặt chém", chèo kéo khách không còn. Các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ đều công khai, rõ ràng về giá cả. Cung cách phục vụ du khách của nhân viên và người dân địa phương thân thiện, cởi mở. Hy vọng những dịp quay lại sau này, Sầm Sơn sẽ còn tốt hơn nữa" - chị Ly bày tỏ.
Ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết để gây dựng lại vị thế Sầm Sơn như hôm nay là cả một quá trình, quyết tâm cao của tỉnh Thanh Hóa và thành phố. Theo ông Tú, phá thì dễ nhưng để xây dựng và duy trì một thương hiệu như Sầm Sơn là không hề đơn giản. Với những định hướng từ chính quyền, với những việc làm đúng đắn cùng sự thay đổi về nhận thức của người dân địa phương, Sầm Sơn đã và đang lấy lại hình ảnh, vị thế của mình.
"Chúng tôi quyết tâm xây dựng hình ảnh, con người Sầm Sơn đẹp trong mắt bạn bè và du khách, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hấp dẫn, thân thiện. Về lâu dài, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng hiện đại, có thêm các sản phẩm du lịch mới, thành phố còn luôn quan tâm, sát sao, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đây là vấn đề sống còn không chỉ với Sầm Sơn mà còn với nhiều điểm du lịch khác trong cả nước. Vừa qua, Sầm Sơn đã làm tốt việc này. Chúng tôi đã có trung tâm điều hành thông minh, tích hợp 131 camera nên có thể trích xuất dữ liệu trước đó để phạt nguội vi phạm bất cứ lúc nào khi có phản ánh của du khách" - ông Tú quả quyết.
Tìm cách khai thác du lịch 4 mùa
Pù Luông - điểm du lịch cộng đồng nằm ở vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa - được ví như "Sa Pa của xứ Thanh" với núi rừng bạt ngàn, không khí mát mẻ, trong lành quanh năm.
Một thời, Pù Luông vùi sâu trong giấc ngủ dài vì xa xôi, heo hút. Khi đó, rất ít người dám mạo hiểm đến Pù Luông.
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Vườn Quốc gia Bến En dịp lễ 30-4 và 1-5-2022
Những năm gần đây, nhờ người dân biết tận dụng các thế mạnh về cảnh quan do thiên nhiên ban tặng mà Pù Luông như thức giấc, trở thành một điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Mỗi năm, Pù Luông đón hàng chục ngàn lượt khách tới tham quan.
Khoảng 5 năm trở lại đây, Pù Luông được tỉnh Thanh Hóa quan tâm hơn. Nhiều nhà đầu tư lớn đã tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, biến vùng đất nghèo khó một thời thành điểm đến thu hút khách du lịch bậc nhất ở phía Bắc.
Không chỉ Pù Luông, rất nhiều điểm du lịch cộng đồng khác ở Thanh Hóa cũng đang trở thành điểm đến của những người yêu thiên nhiên, thích khám phá. Du khách có thể đến điểm du lịch cộng đồng thác Ma Hao (Lang Chánh), thác Mây (Thạch Thành); khám phá rừng pơ mu, sa mu ngàn năm tuổi ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân); khám phá lòng hồ Cửa Đạt, hồ thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), động Bo Cúng (Quan Sơn)…
Du lịch cộng đồng không chỉ giúp Thanh Hóa đa dạng hóa các dịch vụ du lịch mà còn giúp du khách biết thêm nhiều về vùng đất và con người xứ Thanh. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng đều ở các huyện miền núi - nơi đại bộ phận người dân còn khó khăn, vất vả nên khi loại hình này xuất hiện, người dân được trực tiếp tham gia. Các dịch vụ như buôn bán sản vật rừng, kinh doanh lưu trú, tổ chức hát múa truyền thống… phát triển nhanh chóng, từ đó giúp nhiều người có công ăn việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết du lịch xứ Thanh có được diện mạo, tâm thế như hôm nay là cả một quá trình vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Những năm qua, du lịch Thanh Hóa luôn đón được lượng du khách lớn và nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu.
Tuy nhiên, theo bà Yến, các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa vẫn chưa đa dạng. Vì thế, Thanh Hóa đã có các chính sách cởi mở, tạo điều kiệt tốt nhất cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, nhiều tập đoàn lớn, công ty du lịch đã chọn Thanh Hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ.
"Những năm qua, Thanh Hóa là điểm sáng về thu hút đầu tư du lịch. Rất nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… đã đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới, như nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, giải trí, trải nghiệm, văn hóa… Từ đó, góp phần đa dạng hóa các hoạt động du lịch, nâng tầm du lịch Thanh Hóa phát triển với tốc độ nhanh" - bà Yến nhìn nhận.
Bà Yến cho biết để du lịch phát triển bền vững, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục hoàn thiện việc quy hoạch du lịch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhiều tuyến đường lớn, hiện đại kết nối sân bay, các tuyến quốc lộ… Thanh Hóa cũng tiếp tục nâng cao chất lượng du lịch, nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử.
"Để có thể khai thác du lịch được 4 mùa, Thanh Hóa đang kêu gọi đầu tư, xây dựng các sản phẩm mới như: du lịch nông nghiệp, kết nối các sản phẩm vùng miền (tiêu thụ, quảng bá nông sản sạch); du lịch văn hóa... Thanh Hóa có nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng nhưng vẫn chưa phát huy hết thế mạnh" - bà Yến đánh giá.
Khách lưu trú tăng đột biến
Nhờ làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 mà 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đã hơn 6,8 triệu lượt - đạt 68,2% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 44.550 lượt, tăng gấp 2,18 lần; tổng thu từ du lịch ước đạt 11.557 tỉ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 64,5% kế hoạch năm 2022.
Đáng chú ý, lượng du khách đến Thanh Hóa đăng ký lưu trú tăng đột biến trong tháng 6-2022. Trong tổng số hơn 6,8 triệu lượt khách, du lịch biển Sầm Sơn đã đón tới 4,1 triệu lượt. Ngoài ra, những điểm du lịch cộng đồng ở khu vực miền núi luôn trong tình trạng "cháy phòng" vào các ngày cuối tuần, như khu du lịch cộng đồng Pù Luông, bản Mạ (huyện Thường Xuân), thác Mây (huyện Thạch Thành), thác Ma Hao (huyện Lang Chánh), Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh)...
Bình luận (0)