Theo đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Luật Cảnh sát biển Việt Nam sau 2 năm đi vào cuộc sống đã tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Thành quả của sự chung sức, đồng lòng
Vùng Cảnh sát biển 2 được phân công quản lý vùng biển rộng lớn, trải dài trên phạm vi 6 tỉnh, thành miền Trung.
"Đây là vùng biển nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, đáng chú ý nhất là tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; lưu lượng tàu thuyền hoạt động cả tuyến nội địa và tuyến quốc tế lớn; các loại tội phạm, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp... Ðây cũng là vùng biển chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, hằng năm xuất hiện 6-8 cơn bão" - lãnh đạo Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết.
Theo đại tá Lê Huy Sinh, vượt lên những khó khăn đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, ngành và người dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần tự tôn dân tộc, tình yêu biển đảo của ngư dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Đến nay, Vùng Cảnh sát biển 2 đã tiến hành kiểm tra trên 1.800 lượt tàu thuyền, xử lý trên 1.400 chiếc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước hơn 11 tỉ đồng. Cảnh sát biển đã tiến hành bắt giữ, điều tra, xử lý 26 vụ/33 phương tiện vi phạm pháp luật; tịch thu hơn 8.100 tấn than các loại, hơn 10.400 tấn titan, hơn 16 triệu lít xăng dầu, 12.000 kg sắt phế liệu, 130 kg thuốc nổ, 222 kíp nổ và 8 kg giấy cháy chậm. Tổng số tiền bán, phát mãi tài sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước được trên 190 tỉ đồng...
Để đạt được những thành quả trên, ngoài nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 2 còn có sự đóng góp to lớn của ngư dân và chính quyền địa phương ở vùng biển miền Trung. Ðó là nhờ lực lượng tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt thủy hải sản hợp pháp rất lớn, các địa phương quan tâm hỗ trợ đóng nhiều loại tàu đánh bắt xa bờ; ngư dân yêu biển, quyết tâm bám biển để vừa phát triển kinh tế vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mỗi ngư dân, mỗi tàu thuyền của ngư dân được ví như những "cột mốc sống", là "cánh tay nối dài", sẵn sàng phối hợp, cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng, trong đó có Cảnh sát biển, kịp thời phát hiện, xử trí hiệu quả các vấn đề về pháp luật, chủ quyền trên biển.
Tàu Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển
Ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển
Vừa trở về sau chuyến đi biển gần 20 ngày tại ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Trần Văn Bình (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng) lại kiểm tra ngư lưới cụ trên chiếc tàu cá của mình để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới. Giở cuốn "Sổ tay dành cho ngư dân" kèm theo những tờ rơi hiển thị các vùng biển Việt Nam và thông tin về tần số các đài canh, ông Bình kể lại việc được tuyên truyền pháp luật ngay trên biển với vẻ mặt đầy phấn khởi.
"Sau khi đánh bắt cá, đang trở về đất liền thì từ xa, chúng tôi thấy tàu tuần tra của Vùng Cảnh sát biển 2 hướng tới. Các chiến sĩ Cảnh sát biển đi canô sang tàu tôi để hỏi thăm tình hình đánh bắt cá cũng như sức khỏe từng người. Sau đó, họ tận tình tuyên truyền các chính sách, quy định về pháp luật trên biển và tặng chúng tôi hải đồ cùng cuốn sổ tay này" - ông Bình nhớ lại.
Theo ông Bình, giữa biển khơi, sự ân cần thăm hỏi của các chiến sĩ Cảnh sát biển khiến ngư dân ấm lòng. Chưa hết, nhờ sự tận tình hướng dẫn, nhắc nhở, tuyên truyền ý thức pháp luật của Cảnh sát biển mà mấy năm nay, ông cùng đội đánh bắt gồm 14 tàu thuyền luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm lãnh hải các nước lân cận. "Việc gặp các tàu tuần tra của lực lượng Cảnh sát biển giúp ngư dân thêm yên tâm khi vươn khơi" - ông Bình bày tỏ.
Trong khi đó, ngư dân Trần Văn Mười (ngụ phường Mân Thái, quận Sơn Trà), chủ một tàu cá vỏ thép, cho biết ông cảm thấy ngày càng tự tin và yên tâm hơn khi nắm chắc những kiến thức pháp luật lúc hành nghề trên biển. "Có được như vậy là nhờ tôi thường xuyên tham gia những buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức cho các ngư dân tại phường. Nhờ đó, ngư dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, giá trị về biển đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982..." - ngư dân Trần Văn Mười đúc kết.
Ngoài ra, theo ngư dân Trần Văn Mười, cùng với tổ chức các buổi tuyên tuyền tập trung, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 còn cử các tổ, đội đến tận nơi tuyên truyền, phát tờ rơi trên các tàu đang neo đậu tại cảng cá Thọ Quang, TP Ðà Nẵng. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 còn trao cờ Tổ quốc và tặng quà động viên, hỗ trợ ngư dân khiến ai cũng yên tâm hơn khi bám biển.
Củng cố thế trận "quốc phòng toàn dân"
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, từ việc xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là mũi nhọn, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác vận động quần chúng, 2 năm qua, sự kết hợp giữa chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" và chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Ðộng tổ chức được triển khai rộng khắp tại các tỉnh, thành ven biển trên cả nước càng thêm khẳng định ý nghĩa, tính đúng đắn, hiệu quả.
Ðây là những chương trình có ý nghĩa thiết thực nhằm vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết hợp tổ chức các hoạt động an sinh, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận "quốc phòng toàn dân", "an ninh nhân dân" trên biển.
Bình luận (0)