xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiến kế đổi mới thi THPT quốc gia

YẾN ANH

Các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo đầu ngành, trường đại học đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện khâu tổ chức và chấm thi THPT quốc gia nhằm chống gian lận như kỳ thi năm 2018

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong những năm tới tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia. Câu hỏi khó đặt ra cho Bộ GD-ĐT là cải tiến như thế nào để kỳ thi này không còn những tiêu cực gây rúng động dư luận như vừa qua.

Không thi thì học sinh không học

GS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục mà là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, ông đồng tình với việc tiếp tục duy trì kỳ thi này, trên cơ sở đổi mới toàn diện quy trình tổ chức thi và chấm thi. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng vấn đề là từ các sự cố gian lận điểm thi, tiêu cực vừa qua, cần bình tĩnh phân tích khách quan để trên cơ sở đó tổ chức tốt việc thi cử.

Một chuyên gia tuyển sinh kỳ cựu của ĐHQG Hà Nội ủng hộ việc tiếp tục giữ ổn định kỳ thi THPT đến năm 2020 nhưng góp ý bỏ cách gọi "kỳ thi 2 trong 1". Theo chuyên gia này, phải xác định rõ đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp, còn sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh hay không là quyền của các trường ĐH. GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với quan điểm xác định rõ kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT.

Nhấn mạnh đến việc không thể bỏ kỳ thi này, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nêu rõ nếu không tổ chức thi thì học sinh (HS) không học; vả lại thi tốt nghiệp điều chỉnh rất nhiều đến việc dạy và học trong nhà trường. Về cách làm, ông Lâm gợi ý ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường có thể lấy các tiêu chí phụ khác để kích thích việc học ở phổ thông.

Chuyên gia giáo dục - tiến sĩ Lương Hoài Nam phân tích một trong những nguyên nhân chính của sự cố gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là nhận thức lệch nhau về mục đích của kỳ thi quốc gia. Trong khi Bộ GD-ĐT xác định mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT thì phụ huynh, HS lại coi đây là thi ĐH, phải cạnh tranh để vào được trường tốt. Do nhận thức như vậy nên dẫn đến tình trạng gian lận nâng điểm thi cho hàng trăm TS, để các TS này có cơ hội vào trường tốt, tước đoạt cơ hội học ĐH của những HS xứng đáng hơn.

Thực tế, theo tiến sĩ Nam, nếu mục đích của kỳ thi là xét tốt nghiệp thì không có việc phải chạy điểm, sửa điểm, đến mức phải khởi tố hình sự và nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã bị bắt.

Hiến kế đổi mới thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Từ kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh về quy chế thi và chấm thi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"3 khóa trên cùng 1 ổ"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận kỳ thi THPT quốc gia 2018 còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Trên hết, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD-ĐT trong tất cả khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số địa phương.

Vậy câu hỏi được đặt ra là kỳ thi cần được cải tiến thế nào để hạn chế tối đa tiêu cực?

Những cải tiến đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết là phải có giải pháp cụ thể để vá các lỗ hổng, như làm phách bài trắc nghiệm, lắp camera trong phòng thi, nơi chấm thi... để bảo đảm tính chính xác. Còn PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kiến nghị Bộ GD-ĐT phải rà soát tất cả khâu của kỳ thi THPT quốc gia, chỗ nào có kẽ hở thì quy chế phải dự báo và đưa ra giải pháp.

"Tôi nghĩ có 2 khâu rất quan trọng cần phải tập trung. Thứ nhất, bài làm của các môn trắc nghiệm theo quy định thì TS làm bài trên giấy không rọc phách, sử dụng bút chì để tô đáp án, điều này sẽ dẫn đến một sơ hở là có thể biết và sửa đổi bài làm của TS. Do vậy, nên sử dụng một tờ làm bài có cho phép sử dụng bút mực để khoanh đáp án đã tô bằng bút chì và cuối cùng, TS phải đếm thống kê về số lượng đáp án (A), (B), (C), (D) trong bài làm của mình để tránh bị sửa. Điều này có thể làm mất thêm thời gian nên nếu áp dụng phải điều chỉnh quy chế thi. Thứ hai, để tránh gian lận trong khâu chấm thi thì không nên giao cho địa phương; thay vào đó tổ chức một số điểm chấm thi tập trung có sự giám sát chặt chẽ. Việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế vẫn phải được tiến hành một cách thường xuyên từ những phát sinh trong thực tế" - PGS Tớp hiến kế.

Các chuyên gia giáo dục cũng chỉ rõ hiện nay phòng quản lý bài thi chỉ có phiếu niêm phong và phiếu niêm phong rất dễ bị làm giả hoặc bị thay thế. Để xử lý tồn tại này, có thể tổ chức quản lý bài thi tại một phòng theo cơ chế "3 khóa trên cùng 1 ổ". Cụ thể, trưởng ban chỉ đạo 1 khóa, trưởng ban chấm thi 1 khóa và đại diện công an giữ 1 khóa. "Nếu thực hiện điều này sẽ không có sự cố như vừa rồi tại Hà Giang, Sơn La" - PGS Tớp quả quyết.

Nên thi trắc nghiệm trên máy

Bàn thêm về các giải pháp kỹ thuật, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, nêu ý kiến chúng ta đang tổ chức thi trắc nghiệm theo tổ hợp. Nếu tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm thì cần tổ chức thi khách quan, nghĩa là TS sẽ thi trên máy tính và biết ngay kết quả sau khi làm bài thi. Khi đó, không ai can thiệp vào bài thi được. Sau đó, khi điều kiện cho phép có thể tiến tới một mức cao hơn là thi trực tuyến, kết quả thi, đồng thời sẽ được chuyển về máy chủ của Bộ GD-ĐT quản lý. Làm vậy sẽ không còn kẽ hở phát sinh tiêu cực.

Những ngày qua, nhiều bạn đọc đóng góp ý kiến qua Báo Người Lao Động cũng đồng tình cao với đề xuất thi trắc nghiệm trên máy tính. Tuy nhiên, PGS Trần Văn Tớp cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Theo ông, đúng là việc thi trắc nghiệm trên máy tính được nhiều nơi trong và ngoài nước áp dụng, ví dụ kỳ thi SAT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và thi học phần của nhiều trường ĐH. Cách thức thi này có một ưu điểm lớn đó là đánh giá được số đông, TS biết điểm ngay sau khi thi. Dù vậy, để tổ chức kỳ thi dạng này thì hoàn toàn không dễ, đặc biệt là trên quy mô của kỳ thi THPT quốc gia với gần 1 triệu TS.

Theo ông Tớp, phương án thi trắc nghiệm trên máy tính đòi hỏi những yêu cầu về mặt kỹ thuật, ngân hàng câu hỏi, cách thức thi…, khó có thể thực hiện trong những năm tới do chưa chuẩn bị kịp. 

Đề xuất phương án tuyển sinh riêng

PGS Trần Văn Tớp cho rằng việc tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ mà phải chuẩn bị hết sức chu đáo để bảo đảm công bằng, khách quan cho người học cũng như tránh tình trạng tổ chức công phu nhưng lượng TS "ảo" lớn.

"Có thể từ năm 2018-2019, chúng tôi sẽ đề xuất và xem xét phương án tuyển sinh riêng cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dựa trên cơ sở của kết quả thi THPT quốc gia các năm tới. Cũng có thể trong tương lai, kết quả thi THPT quốc gia chỉ như một điều kiện sơ tuyển của trường nhưng điều này phải được cân nhắc kỹ" - PGS Tớp nhấn mạnh.

. Tiến sĩ LÊ TRƯỜNG TÙNG, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT:

Quét bài ngay khi thi xong

Để hạn chế gian lận, nên trang bị cho mỗi phòng thi một máy quét file bài thi. Kết thúc bài thi, giám thị sẽ quét luôn bài thi khi TS nộp bài, bài nào bị lỗi sẽ trực tiếp yêu cầu TS đó tô rõ ràng đáp án. Một phòng chỉ có khoảng 24 TS nên thời gian làm công việc này sẽ không lâu. Sau khi quét, bài thi chỉ cần niêm phong và chuyển tới nơi bảo quản. Nếu áp dụng phương pháp này, không chỉ giảm chi phí cho công tác chấm thi mà còn hạn chế gian lận.

. PGS MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT:

Hoàn thiện phần mềm chấm trắc nghiệm

Trong năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng các giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi. Thứ nhất, về đề thi, sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi phù hợp với mục đích yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Thứ hai, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm để ngăn ngừa và phát hiện các nguy cơ lợi dụng để sai phạm. Đồng thời, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm. Thứ ba, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi.

L.ANH ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo