Theo quy hoạch vùng TP HCM, các đô thị như TP Biên Hòa, TP Nhơn Trạch, đô thị Cảng hàng không Long Thành (tỉnh Ðồng Nai), TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và các đô thị ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng với TP Thủ Ðức, huyện Cần Giờ (TP HCM) sẽ hình thành một chuỗi đô thị khi giao thông kết nối hoàn chỉnh. Các chuyên gia khẳng định nếu nhìn trên quan điểm kinh tế vùng và vùng đô thị thì việc xây dựng TP Thủ Ðức, huyện Cần Giờ chính là bước đột phá để đẩy nhanh quá trình phát triển của các đô thị phía Ðông, Tây của vùng TP HCM.
Xác định đúng vai trò của Thủ Ðức và Cần Giờ
Phân tích lợi thế của TP Thủ Ðức, TS Nguyễn Thành Nam, Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng địa bàn phía Ðông TP HCM - TP Thủ Ðức là nơi hội tụ, tập trung rất lớn những tiềm năng, lợi thế phát triển để trở thành một đô thị hiện đại, thông minh và sáng tạo. Nhất là TP Thủ Ðức có vị trí địa lý thuận lợi là tiếp cận trực tiếp và có mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết với các thành phố, khu vực đang phát triển nhanh, mạnh mẽ và đầy tiềm năng của Ðông Nam Bộ - giữ vị trí, vai trò "xương sống" của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Bắc của TP Thủ Ðức là TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một là 3 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Dương; phía Ðông Bắc là TP Biên Hòa và phía Ðông - Ðông Nam là vùng đất đầy tiềm năng, triển vọng phát triển như huyện Long Thành, TP Nhơn Trạch của tỉnh Ðồng Nai...
Theo TS Nguyễn Thành Nam, một lợi thế rất lớn của TP Thủ Ðức mà các quận, huyện khác của TP HCM không thể có là Thủ Ðức gần như nằm ở vị thế trung tâm, hạt nhân của vùng kinh tế mở, phát triển đầy năng động với bán kính trên dưới 50 km thuộc địa bàn kinh tế trọng yếu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Phát triển đô thị và kinh tế về phía Ðông TP HCM nói chung và định hướng chiến lược phát triển TP Thủ Ðức nói riêng nhất thiết cần thấy rõ và nhận thức đầy đủ, toàn diện những thuận lợi, tiềm lực, thế mạnh; đồng thời cần gắn kết trong mối quan hệ phát triển chung của toàn vùng kinh tế quan trọng Ðông Nam Bộ. TP Thủ Ðức trong quy hoạch, định hướng phát triển nhất thiết phải theo hướng đô thị "vòng tròn mở" nhằm phát huy toàn diện và hiệu quả các nguồn lực lợi thế" - TS Nguyễn Thành Nam nêu.
TS Trần Du Lịch nhìn nhận việc xây dựng và phát triển TP Thủ Ðức là bước đột phá để thực hiện chủ trương của TP HCM từ hàng chục năm nay. Phát triển TP Thủ Ðức theo hướng đa trung tâm, giảm áp lực tập trung hóa hoạt động kinh tế và dân cư khu vực nội thành. Ðây cũng là hướng phát triển chính nhằm giải quyết các vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Có thể nói, TP Thủ Ðức là động lực phát triển vùng đô thị TP HCM về phía Ðông. Theo TS Trần Du Lịch, TP Thủ Ðức chứa đựng nhiều nhân tố để phát triển thuận lợi nhất so với các địa bàn khác của TP HCM. Nếu theo quan niệm "thóc đến đâu bồ câu đến đó" thì các nhân tố phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nhanh quá trình hình thành một đô thị hoàn chỉnh "đối trọng" với đô thị cũ và chắc chắn sẽ có điều kiện để xây dựng đô thị xanh và thành phố thông minh trong một tương lai không xa. Tuy nhiên, để chủ động trong quá trình xây dựng TP Thủ Ðức theo mục tiêu thành lập, cần nhìn nhận một thực tế là xây dựng TP Thủ Ðức không phải là "tờ giấy trắng để chúng ta vẽ nên một bức tranh theo ý muốn" mà phải ghép và cải biến "những mảnh giấy đã vẽ dang dở" thành "một họa phẩm hoàn hảo".
Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường Ðại học Kinh tế TP HCM), ngoài TP Thủ Ðức, TP HCM phải thúc đẩy mạnh mẽ trong nghiên cứu đề án kinh tế biển của Cần Giờ để kết nối tiểu vùng phía Ðông và phía Tây hiệu quả. Bởi cùng với TP Thủ Ðức, huyện Cần Giờ (theo quy hoạch sau này có thể là TP Cần Giờ) sẽ là cực tăng trưởng mang tính quyết định đến việc phát triển bền vững của TP HCM cũng như vùng TP HCM.
TP Thủ Ðức có nhiều cơ hội để xây dựng kinh tế tuần hoàn, là cực tăng trưởng mới của TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn - Ðại học Quốc gia TP HCM, khẳng định để đánh thức các cực tăng trưởng mới trên thì nên áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ông nói kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận được thế giới và lãnh đạo trung ương quan tâm, đã được đưa vào Văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại TP HCM cũng đang xây dựng đề án kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. "Kinh tế tuần hoàn đóng góp 7/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Việc tiếp cận kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần phát triển bền vững các cực tăng trưởng mới nói riêng và TP HCM nói chung" - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nhìn nhận.
Theo ông, kinh tế tuần hoàn là sự kết hợp các giải pháp để giải quyết được bài toán về môi trường trong sự mâu thuẫn về phát triển kinh tế. Kết quả của kinh tế tuần hoàn chính là những mô hình kinh doanh mà nó có thể đem lại lợi ích cho các bên tham gia, đặc biệt là khối doanh nghiệp. Ông mong muốn các cực tăng trưởng mới nói riêng và TP HCM nói chung sẽ tiên phong xây dựng, triển khai kinh tế tuần hoàn, dù đây không phải là việc đơn giản. Hơn nữa, việc triển khai rất phức tạp vì những giải pháp hướng tới đa mục tiêu, đòi hỏi tính kết nối liên ngành. Nói riêng về TP Thủ Ðức, ông Quân cho rằng đây là địa phương đang có nhiều cơ hội khi có nguồn lực, có khát vọng, sự quan tâm của trung ương, TP HCM và có khả năng triển khai những cơ chế mới để phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Hồng Quân đề xuất một số giải pháp để các cực tăng trưởng mới của TP HCM tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn. Ðó là triển khai một số mô hình thí điểm liên quan đến hạ tầng xanh - đây là mô hình có thể áp dụng đa mục tiêu, gồm chống ngập đô thị, giảm ô nhiễm môi trường cả về không khí và nước, tạo sinh thái, cảnh quan, từ đó hình thành môi trường đáng sống, thu hút người dân, chuyên gia đến sống. Riêng ở TP Thủ Ðức cần triển khai một số mô hình công nghiệp gắn liền với TP Dĩ An, TP Biên Hòa để gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Một giải pháp về xử lý rác thải đô thị, đặc biệt là rác thải hữu cơ, cũng được PGS-TS Nguyễn Hồng Quân đề cập. Ðây là vấn đề nhức nhối nhưng chất thải hữu cơ cũng đem lại rất nhiều giá trị nếu chúng ta biết khai thác. Nếu làm được sẽ gắn liền với nông nghiệp đô thị của TP Thủ Ðức và huyện Cần Giờ. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn kiến nghị TP HCM xây dựng đề án hoặc lộ trình về kinh tế tuần hoàn. Ðồng thời có cơ chế để kết nối các sở, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền và doanh nghiệp cùng các bên liên quan. Nếu không có cơ chế sẽ làm nản lòng các bên tham gia thí điểm, dẫn tới càng khó để đề xuất chính sách cao hơn.
Góp ý thêm, TS Trần Du Lịch cho rằng để đánh thức các cực tăng trưởng mới, TP cần cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của địa phương và giảm bớt công việc của các sở, ngành.
Các tập đoàn lớn như Apple, Nestlé đang dần chuyển dịch cơ sở sản xuất đến một số nước, trong đó có Việt Nam. Họ đặt ra yêu cầu nơi họ chuyển tới để sản xuất phải làm sao giảm thiểu carbon. Nếu chúng ta không chuyển đổi doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo hướng công nghiệp cộng sinh, sinh thái và tuần hoàn ngay từ bây giờ thì sẽ không có lợi thế cạnh tranh".
GS-TS NGUYỄN TRỌNG HOÀI, Trường Ðại học Kinh tế TP HCM
Công nghệ phải dẫn đường
Ông Lê Xuân Ðịnh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nói để thực hiện mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM đang đứng trước nhiều thách thức buộc phải vượt qua. TP HCM muốn bước sang một giai đoạn mới thì chắc chắn phải đầu tư một nền tảng khoa học - công nghệ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói chỉ có thể phát triển được nếu ứng dụng được khoa học - công nghệ, đưa nội hàm này vào chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp, cả các viện nghiên cứu, trường đại học và các đơn vị khác. Theo ông, trong hệ thống đổi mới sáng tạo của TP thì doanh nghiệp phải là trung tâm, là nơi đưa nhanh khoa học - công nghệ vào sản xuất và cuộc sống, tạo ra tiền, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Viện nghiên cứu, trường đại học là các đơn vị nghiên cứu mạnh. TP cần tiếp tục quan tâm khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo.
Bình luận (0)