Qua 5 năm thực hiện Quy định 1374/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, TP HCM đã tiếp nhận 9.864 thông tin, trong đó có 9.609 thông tin được xử lý.
Xử lý nghiêm nhiều vụ việc
Trong 9.864 thông tin thì thông tin từ ý kiến cử tri chiếm 21,95%; giám sát của các cơ quan dân cử chiếm 16,45%; khiếu nại, tố cáo chiếm 49,45% và từ báo chí 12,15%. Bình quân mỗi tháng cơ quan chức năng tiếp nhận 165 thông tin, mỗi ngày từ 5 đến 6 thông tin.
Báo chí là 1 trong 4 thành tố quan trọng trong thực hiện Quy định 1374
Qua triển khai Quy định 1374, nhiều vụ việc được các đơn vị tiếp nhận, giải quyết. Điển hình, năm 2018, trước thông tin "quận 1, TP HCM cấp phép xây dựng hàng loạt công trình sai quy định?", Quận ủy quận 1 đã chỉ đạo thanh tra việc phòng, chống tham nhũng liên quan đến công tác cấp giấy phép xây dựng tại Phòng Quản lý đô thị quận. Kết quả, xử lý kỷ luật về Đảng đối với 2 đảng viên, 91 trường hợp khiển trách; 1 trường hợp cảnh cáo; xử lý kỷ luật về chính quyền đối với 2 đảng viên (1 khiển trách; 1 cảnh cáo)…
Cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân
Hay như năm 2019 trước thông tin "Đưa người chạy xe vi phạm về phường rồi mặc cả đòi tiền", Tổ công tác 1374 của Quận ủy quận Bình Thạnh tham mưu cho Ban Thường Quận ủy chỉ đạo Đảng ủy, ban chỉ huy công an quận xem xét, giải quyết theo quy định, kết quả một sĩ quan bị cho xuất ngũ…
Làm đến nơi, đến chốn, không hình thức
Để thực hiện có hiệu quả Quy định 1374 trong thời gian tới, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 1 Lê Thị Lan Chi, việc tiếp nhận, phân loại, chọn lọc thông tin rất quan trọng. Tập thể Ban Thường vụ cũng phải quyết tâm trong giải quyết các vụ việc có liên quan, xác định rõ đúng/sai, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nơi đến chốn và không hình thức. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo làm rõ những vụ việc khi vừa có dấu hiệu vi phạm.
Còn theo Quận ủy quận Bình Thạnh, quá trình giải quyết các thông tin phản ánh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vụ việc liên quan phải chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp; kịp thời báo cáo đề xuất những kiến nghị, khó khăn khi thực hiện. Ngoài ra, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp ủy với các cơ quan đơn vị chuyên môn trong việc giải quyết các thông tin, phản ánh, tố cáo… cũng là việc quan trọng, thực hiện thường xuyên.
Quận ủy quận 8 thì đưa giải pháp tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nâng cao nhận thức trong thực hiện chức trách, không để xảy ra vi phạm dẫn đến phát sinh đơn thư phản ánh, tố cáo. Quận đồng thời tập trung chỉ đạo công tác giải quyết đơn để xử lý dứt điểm, đúng quy định, không để dẫn tới đơn thư kéo dài, tố cáo phức tạp. Các ngành, các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng được tăng cường giám sát. Đặc biệt, quận chú trọng công tác quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quản lý và thanh toán, quyết toán kinh phí khu vực trường học, các khoản huy động từ đóng góp của nhân dân…
Thường xuyên kiểm tra, giám sát
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Quy định 1374, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy nhiều đầu việc. Điều này nhằm biến việc giải quyết các thông tin phản ánh, vụ việc liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trở thành công việc thường xuyên, nền nếp trong toàn Đảng bộ thành phố.
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên, đó là tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong chủ động rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác cán bộ… nhằm ngăn ngừa vi phạm có thể xảy ra, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) kể từ khi mới manh nha.
Lãnh đạo, giải quyết các thông tin phản ánh của nhân dân; quyết tâm xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài, chậm giải quyết tại địa phương, đơn vị; trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan dân cử chuyển đến; công khai kết quả xem xét, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước… cũng là việc quan trọng phải làm thường xuyên.
Ngoài ra, ủy ban kiểm tra cấp ủy từng cấp phải chủ động tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát; chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện kịp thời những vấn đề nổi cộm; khảo sát, làm rõ những thông tin phản ánh đối với tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đồng thời, xem xét giải quyết các thông tin phản ánh có liên quan đến địa bàn, lĩnh vực phụ trách, xử lý về Đảng và chính quyền đối với các trường hợp vi phạm và công khai kết quả xử lý…
Kết quả của việc làm nghiêm
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, trong 5 năm, toàn thành phố đã thi hành kỷ luật 15 tổ chức Đảng với khiển trách 12 và cảnh cáo 3.
Có 405 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 253, cảnh cáo 107, cách chức 20, khai trừ 25. Xử lý kỷ luật về chính quyền 453 trường hợp, các mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, kéo dài thời hạn nâng bậc lương tương ứng với các con số 207, 100, 26, 32, 88.
Bình luận (0)