Từ năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã phân cấp, giao quyền trực tiếp tuyển dụng giáo viên (GV) cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Việc trao quyền tuyển dụng này đang có những ý kiến băn khoăn, lo ngại; nhất là khi chưa công khai hệ thống kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng.
Bớt ôm đồm
Tại TP HCM, quy trình tuyển dụng GV được chia thành 2 nhóm. Nhóm các trường mầm non, tiểu học, THCS thực hiện theo cơ chế phân cấp. Phòng GD-ĐT các quận, huyện sẽ phối hợp với các phòng nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, sau đó trình UBND các quận, huyện ban hành.
Riêng khối THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT TP HCM lâu nay sẽ do sở này trực tiếp tuyển dụng. Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên TP HCM tiến hành bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển dụng, khiến ứng viên đăng ký tuyển dụng vào hệ THPT tăng đột biến; có tới hơn 1.800 hồ sơ đăng ký trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ có 363 GV.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sở đã có đề xuất này từ năm học trước, trên cơ sở thực tế của nhiều đơn vị trong thời gian qua, nhất là trước đó, Bộ GD-ĐT cũng từng đề xuất xóa bỏ chủ trương biên chế trong ngành. Mục tiêu là trao quyền cho các trường tự chủ toàn phần, ngành chỉ quản lý vấn đề chuyên môn và chất lượng đầu ra.
Được xem là chủ trương táo bạo, khá nhiều ý kiến đồng tình với TP HCM khi dám đi trước để tạo sự cạnh tranh, đổi mới trong giáo dục. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho rằng ở ta thì điều này mới mẻ nhưng việc phân cấp tuyển dụng đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Hình thức này tương đương cơ chế quản lý hiện nay ở một số trường theo mô hình quốc tế. Hiệu trưởng được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước HĐQT nhà trường. Vị này cho rằng trao quyền cho hiệu trưởng cũng là cách để ngành GD-ĐT bớt ôm đồm, chỉ tập trung quản lý đầu ra của học sinh. Học sinh học trường này, với thầy cô này đạt được những gì, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng gì thì mặc nhiên chất lượng người thầy cũng được đánh giá trên cơ sở đó. Phải thừa nhận là nhiều GV có sức "ì" rất lớn, khi chắc chân biên chế trong nghề là lập tức chững lại, không muốn phấn đấu và học tập thêm chuyên môn gì nữa. Họ trở thành những người thợ dạy, không sáng tạo, miễn là được yên thân. Một tập thể với những GV như thế thì chất lượng giáo dục sẽ sớm đi xuống. Việc tạo cơ chế thông thoáng cho các trường, trong đó việc hiệu trưởng được quyền quyết định nhân sự, là tín hiệu tốt trong giáo dục. Nhưng đòi hỏi các hình thức ràng buộc trách nhiệm, kiểm tra, đánh giá chất lượng hiệu trưởng thế nào phải xây dựng từng bước cụ thể.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) ngày khai giảngẢnh: Tấn Thạnh
Làm thận trọng
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết các trường trực tiếp sử dụng lao động nên họ biết cần tuyển GV có năng lực, phẩm chất thế nào là phù hợp với hoạt động giáo dục, năng lực học sinh tại trường.
Sở GD-ĐT sẽ tập huấn và làm công tác tư tưởng với hiệu trưởng nhà trường, để hiệu trưởng hiểu trách nhiệm đặt quyền lợi của nhà trường lên trên hết. Tránh việc tuyển dụng không hợp lý vì mối quan hệ thì chính hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và gánh hậu quả trước tiên.
Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết năm đầu tiên thực hiện ở 2 trường. Theo lộ trình, đến năm học 2019-2020 sẽ trao quyền tuyển dụng cho 3 trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến tại TP HCM là: Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và các trường chuyên, trường có lớp chuyên tại TP. Theo ông Long, quan điểm của sở là làm từng bước, thận trọng, tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm từng giai đoạn để thấy được mặt được hay chưa chứ không thể làm ồ ạt.
Ông Long cũng cho rằng dù giao quyền cho hiệu trưởng nhưng hồ sơ tuyển dụng vẫn phải gửi về sở để thẩm định và người được tuyển dụng vẫn phải bảo đảm những tiêu chí cơ bản theo quy định của ngành GD-ĐT. Trong giai đoạn đầu, sở vẫn cử cán bộ đến trường giám sát cũng như hỗ trợ hiệu trưởng trong công tác phỏng vấn, kiểm tra chuyên môn người được tuyển dụng. Hiện có khoảng 5-6 hồ sơ tuyển dụng GV của 2 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong gửi về sở để thẩm định.
Cần công khai cơ chế kiểm tra, giám sát
Nhiều ý kiến cho rằng quyền "sinh sát" nghề giáo trao cho hiệu trưởng chính là tạo cơ chế cạnh tranh, phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo, tạo cơ hội cho người trẻ phát huy năng lực. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Nhiều ý kiến băn khoăn về tính công bằng, minh bạch trong tuyển dụng. Nhiều GV lo ngại hiệu trưởng sẽ trở thành "ông vua" của trường khi có quá nhiều đặc quyền? Nếu hiệu trưởng tuyển dụng theo cảm tính mà không dựa trên năng lực thì là mối họa của giáo dục. Điều này đặt ra câu hỏi phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thế nào để không xảy ra tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng xét một cách tổng quát, việc giao quyền tuyển dụng nhân sự, GV cho hiệu trưởng các trường là tạo điều kiện cho cơ sở có tính chủ động. Tuy nhiên, để cơ chế thành công, điều kiện cần và đủ phải đến từ 2 phía. Nó đòi hỏi hiệu trưởng ngoài năng lực chuyên môn, cần có tâm, tầm, vì lợi ích chung của đơn vị. "Chúng ta có thể tham khảo, học tập từ mô hình các trường quốc tế hoặc trường ở nước ngoài uy tín vào đó. Nếu làm không tốt thì sẵn sàng sa thải. Ngành GD-ĐT cũng chỉ nên đóng vai trò là chủ đầu tư trong trường hợp này" - ông Ngai đề xuất.
ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng vì là trường theo mô hình tiên tiến nên nếu được trao quyền tuyển dụng, trường sẽ tuyển theo đặc thù riêng của nhà trường. Đó là những GV ngoài giỏi chuyên môn còn phải năng động, chịu đổi mới và chắc chắn đó là những người trẻ năng động. Theo ông Thạch, một trong những tiêu chí tiên quyết nếu được trao quyền ông sẽ áp dụng đó là những GV phải sáng tạo.
Chưa triển khai mà nghĩ tiêu cực thì khó làm
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng bất cứ đổi mới nào khi chưa triển khai mà nghĩ đến tiêu cực thì rất khó làm. Theo ông, hiệu trưởng nếu được giao quyền quyết định tuyển dụng nhân sự, GV cho trường nghĩa là vinh dự nhưng cũng gánh trách nhiệm đi kèm. "Lo lắng là đúng nhưng vấn đề là tìm những biện pháp nào để tránh tiêu cực, sai sót" - ông Phú nói.
Giáo viên một trường THPT ở quận Bình Thạnh:
Cần xây dựng lại chuẩn hiệu trưởng
Hiện nay, chuẩn hiệu trưởng theo quy chế của Bộ GD-ĐT đã không còn phù hợp, nhiều tiêu chí rất vô lý vẫn tồn tại bao nhiêu năm qua. Ngay trong lúc ngành GD-ĐT TP tạo cơ chế cho hiệu trưởng thì cũng nên xin thêm hình thức thi tuyển để tìm ra người lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất cần thiết. Những ai có tâm huyết, năng lực đều có điều kiện ứng cử. Không nên theo tiêu chí lâu nay đang áp dụng: GV để được có tên trong danh sách quy hoạch cán bộ phải thông qua bỏ phiếu tín nhiệm của tập thể, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay theo cảm tính khá nhiều.
ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn:
Được tuyển dụng và sa thải
Nếu được trao quyền, nhà trường sẽ xây dựng bộ tiêu chí tuyển dụng đổi mới theo đặc thù của trường với sự cố vấn của các tổ chuyên môn. Rất nhiều trường mong được tự chủ nhưng sẽ rất khó để thực hiện nếu chỉ được trao quyền tuyển dụng mà không được quyền sa thải những GV không đạt yêu cầu. Chúng tôi biết là việc này rất khó, nhất là với những GV biên chế, đụng chạm với quy định này kia rất mệt mỏi. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận cơ chế giám sát, chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM:
Thanh - kiểm tra từ nhiều nguồn
Để tránh xảy ra tiêu cực, công tác kiểm tra, giám sát hiệu trưởng cũng cần phải được công khai, minh bạch. Trường hợp nào đáng khen hay cần uốn nắn, chấn chỉnh cũng phải công khai để dư luận, phụ huynh được biết. Muốn vậy, năng lực đội ngũ thanh tra cần phải công tâm và lắng nghe; thanh - kiểm tra từ nhiều nguồn chứ không phải chỉ căn cứ trên giấy tờ hay ý kiến của một nhóm người nào đó.
HẠ VĂN ghi
Bình luận (0)