Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh với diện tích hơn 95.000 km2 (chiếm 28,74% diện tích cả nước), là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc. Số dân gần 13 triệu người (khoảng 13% số dân cả nước), đóng góp 8,54% GDP cả nước.
Vai trò, tiềm năng lớn
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10-2-2022, của Bộ Chính trị xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Để triển khai hiệu quả và sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP nhằm thống nhất công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030. Trong đó, có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8%-9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỉ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2%-3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ che phủ rừng khoảng 54%-55%... Hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn Ảnh: HỮU HƯNG
Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần khẳng định trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN; giàu tài nguyên, khoáng sản, có thế mạnh phát triển công nghiệp và chế biến khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản với gần 2,2 triệu ha đất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước; tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (53,4%), chiếm gần 40% diện tích rừng cả nước, là "lá phổi" của quốc gia. Vùng cũng hội tụ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc với thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Các địa phương thay đổi tích cực
Nằm ở vị trí tiền tiêu của biên giới phía Bắc, tỉnh Lào Cai có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, đối ngoại quan trọng của vùng Tây Bắc. Lào Cai cũng là cầu nối quan trọng về thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà của cả các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc; là trung tâm trung chuyển và dịch vụ logistics quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một kết nối quan trọng của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mekong.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết được sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên của Trung ương Đảng, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Lào Cai đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm đạt gần 10%/năm; văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; tốc độ giảm nghèo nhanh; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; bộ mặt từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi mới. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được thực hiện toàn diện, có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng được tăng cường, mở rộng.
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp tại các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn Ảnh: HỮU HƯNG
Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ, "phên dậu", địa đầu của Tổ quốc, trong giai đoạn 2015-2020, GRDP bình quân hằng năm ước đạt 5,45%. Trong đó ngành nông, lâm nghiệp tăng 1,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,76%; dịch vụ tăng 5,07%... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 20,83%, công nghiệp - xây dựng 23,55%, dịch vụ 50,87%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015), tương đương 1.937 USD. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển tích cực, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao; tình hình chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết Thái Nguyên là tỉnh giao lưu kinh tế, xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẽ quạt kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Với vị trí thuận lợi tiếp giáp vùng đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội và nằm trên các trục kinh tế quan trọng, Thái Nguyên có tiềm năng trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ du lịch - thương mại tổng hợp, trung tâm giáo dục, y tế chất lượng cao của vùng trung du và miền núi phía Bắc; hình thành các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và trung tâm kinh tế đô thị giảm tải cho thủ đô Hà Nội.
Chú trọng 4 lĩnh vực
Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2025 xác định các nội dung, lĩnh vực hoạt động điều phối liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện gồm 4 lĩnh vực chính, gồm: Liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc; điều phối phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó một số lĩnh vực ưu tiên điều phối như: quản lý phát triển vùng, hợp tác với các nước bạn Lào, an ninh quốc phòng, hợp tác về phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc; điều phối thực hiện Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nội dung, lĩnh vực khác theo sự phân công của Thủ tướng.
Bình luận (0)