Mường Bú là một trong 16 xã của huyện Mường La, nằm trên trục Tỉnh lộ 106, giáp với các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và TP Sơn La của tỉnh Sơn La. Vốn là một địa phương thanh bình bên chân đèo Cao Pha hùng vĩ nhưng từ nhiều năm nay, cuộc sống của người dân Mường Bú với 70% đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn bình yên trước sự hoành hành của HIV/AIDS.
Gia đình tan nát
Khi nói đến HIV/AIDS, người dân Mường Bú ai nấy đều rùng mình sợ hãi. Ngoài số người đã tử vong do AIDS, toàn xã còn có 155 người đang nhiễm HIV - thuộc loại cao nhất nhì tỉnh Sơn La.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, điều mà cụ Lò Văn Đới - 83 tuổi, ngụ xã Mường Bú - ray rứt nhất là nhiều thanh niên trai tráng của bản làng lần lượt ra đi vì căn bệnh quái ác AIDS. Cụ Đới xót xa: "Mường Bú trước đây là mảnh đất trù phú, cũng là nơi buôn bán tấp nập. Nhưng vì ở địa thế cửa ngõ giao thương mà Mường Bú hứng chịu những mặt trái xã hội. Người khắp nơi về đây mua bán, trai tráng bỏ nương rẫy làm nghề bốc vác. Cuộc sống ở chợ thay đổi dần, nhiều người sa ngã, hút chích ma túy rồi nhiễm HIV, lây lan cho nhau".
Ông Cầm Văn C. và vợ, bà Quàng Thị H., sa sút do mắc AIDS
Sự hoành hành của HIV/AIDS đã làm nhiều gia đình ở Mường Bú tan nát. Ông Cầm Văn C. - 44 tuổi, đang mắc AIDS giai đoạn cuối - hối hận: "Tôi phát hiện nhiễm HIV từ năm 2009. Lúc đi làm bốc vác, chỉ vì nghe theo bạn bè hút chích ma túy, quan hệ bừa bãi mà ra cớ sự này. Tôi còn gieo rắc mầm bệnh đáng sợ này cho vợ mình".
Bà Quàng Thị H. - 44 tuổi, vợ ông C. - ngậm ngùi: "Trước đây, vợ chồng tôi và 2 con gái sống hạnh phúc, kinh tế cũng thuộc hạng khá giả chứ không phải nghèo khổ, rách rưới như bây giờ. Nay con đã theo chồng đi làm ăn xa, trong nhà chỉ còn 2 con dê là thứ có giá trị nhất. Hai vợ chồng chỉ còn chờ ngày chết nữa mà thôi...".
Bà H. cho biết vợ chồng bà đang sử dụng thuốc điều trị HIV, riêng ông C. còn phải dùng thuốc Methanol để cai nghiện ma túy, mỗi tháng tốn tiền triệu. Do không được xét vào diện hộ nghèo nên gia đình bà càng rơi vào cảnh khốn đốn.
Hoàn cảnh của bà Lò Thị Th. (40 tuổi) cũng rất đáng thương. Bà phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2013, do chồng lây. Bà nhớ lại: "Chồng tôi mất khi đang ở trung tâm cai nghiện ma túy. Trước lúc mất, ông ấy bảo: "Anh bị nhiễm bệnh rồi, em về đi khám đi". Tôi cùng 3 con đi khám thì phát hiện mình đã nhiễm, may là các con không bị gì".
Bà Th. kể khi biết mình nhiễm HIV, bà tuyệt vọng chỉ muốn tìm đến cái chết nhưng vì thương con, nghe lời con mà bà cố gắng sống. Rồi nhờ bác sĩ tư vấn, động viên nên hiện nay, bà đều đặn uống thuốc mỗi ngày. Dù biết bà Th. mắc căn bệnh thế kỷ nhưng dân làng cũng không ai xa lánh, kỳ thị. Con gái đầu của bà lấy chồng cách nhà không xa và cũng đã sinh con.
Hậu quả của ma túy, tệ nạn xã hội
Sơn La là tỉnh vùng cao Tây Bắc, dân số khoảng 1,22 triệu người, gồm 12 dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh rộng 14.125 km², chiếm 4,27% diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành. Sơn La có 150 km đường biên giới, tiếp giáp với 2 tỉnh Huaphanh và Luangprabang của Lào, gần khu vực "tam giác vàng" - một trong những trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất thế giới.
Địa bàn rộng, phức tạp là một trong những nguyên nhân dẫn đến HIV/AISD gia tăng ở Sơn La và thuộc hàng cao nhất nước, mà Mường Bú là một điển hình.
Bà Lò Thị Th. nhiễm HIV do lây từ người chồng đã mất, đang phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, tính đến nay, số người mắc HIV/AIDS tích lũy trên toàn tỉnh là 9.655, trong đó 5.662 người còn sống. Hằng tháng, toàn tỉnh vẫn phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm mới. Hơn 70% số người nhiễm HIV là do tiêm chích ma túy; còn lại là vì các nguyên nhân khác như quan hệ tình dục không an toàn, lây từ mẹ sang con.
Ngành y tế tỉnh Sơn La đang cố gắng để mở rộng độ phủ công tác phòng chống HIV/AIDS ở các địa phương. Tuy nhiên, cả Mường Bú cũng như 16 xã của huyện Mường La và các địa phương vùng giáp biên giới trong tỉnh thực sự gần như đang vùng vẫy chống đỡ trước nạn buôn bán ma túy, tệ nạn xã hội hoành hành, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.
Trong khi đó, các bác sĩ, nhân viên tư vấn HIV/AIDS khi đi sâu vào đời sống người dân để tuyên truyền, tư vấn thì đều gặp những khó khăn nhất định; phần vì đường núi nên lại khó khăn, phần vì tâm lý người dân vẫn luôn muốn che dấu bệnh tình.
"Do trình độ hạn chế, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe kém nên khả năng tự phòng tránh lây nhiễm trong dân còn thấp. Hậu quả là nhiều trường hợp khi phát hiện bệnh thì không còn kịp và đã lây cho người thân trong gia đình" - một lãnh đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La băn khoăn.
Khó khăn kinh phí
Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, trong những năm qua, mỗi năm trung tâm được hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng từ dự án do quốc tế tài trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Sắp tới, nguồn hỗ trợ từ dự án quốc tế sẽ bị cắt nên kinh phí sẽ giảm đi rất nhiều. Điều này sẽ khiến công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 31-8
Kỳ tới: Những con số báo động
Bình luận (0)