Qua bến phà Bình Khánh, đường đến trung tâm huyện Cần Giờ, TP HCM khang trang chạy giữa bạt ngàn mắm, đước, sú, vẹt, dừa nước… có tuổi đời hàng trăm năm của Rừng Sác. Đây là "lá phổi xanh" của TP HCM và cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vang danh anh hùng
Từ bến tàu ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, chúng tôi theo canô đến trụ sở Phân khu 1 - một đơn vị bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng ngập mặn Cần Giờ. Giữa mênh mông sóng nước, tài công Nguyễn Hoàng Phi, nhân viên BQL Rừng ngập mặn Cần Giờ, điêu luyện cho canô rẽ sóng sông Lòng Tàu hướng ra sông Dừa, lao vun vút. Gió lộng bốn bề, hít một hơi thật đầy, có cảm giác như tất cả những tươi mát, trong lành của biển cả, rừng xanh đang đi sâu vào lồng ngực.
Thuộc thế hệ sinh sau, chưa từng cầm súng chiến đấu trong những ngày chiến tranh ác liệt nhưng nhắc đến Rừng Sác, anh Phi có thể kể hoài không dứt. Chỉ ngay sông Lòng Tàu, anh tự hào: "Đây là "nghĩa địa" chôn vùi hàng trăm tàu chiến của địch, trong đó có nhiều tàu vận tải quân sự trọng tải hàng chục ngàn tấn. Vì thế, Lòng Tàu còn được biết đến là con sông góp phần làm vang danh Rừng Sác anh hùng".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Rừng Sác hôm 27-4, nhân dịp UBND TP công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để án ngữ vị trí chiến lược này, nhằm chặn đứng con đường tiếp tế quân sự của địch, bảo vệ lực lượng tiếp tế của ta, ngày 15-4-1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác (sau đổi tên thành Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác). Từ đó, Rừng Sác nằm trong tầm hủy diệt của địch.
Anh Phi cho biết những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Rừng Sác cây cối dày đặc. Nhưng từ năm 1964 trở đi, hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn của địch đã dội xuống tàn phá khiến Rừng Sác gần như trơ trụi. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác lâm vào cảnh ngặt nghèo giữa rừng hoang. Thế nhưng, nhờ trận đồ "thiên la địa võng" với chằng chịt kênh rạch, cây rừng tạo thành những bức tường thuận lợi cho chiến thuật du kích, che chắn bộ đội ta trước tầm mắt của kẻ thù, cùng với những sản vật trời ban và thế trận lòng dân vốn có, căn cứ Rừng Sác vẫn không hề lung lay.
Cư dân của rừng
Sau nửa giờ lênh đênh, chiếc canô đưa chúng tôi đến trụ sở Phân khu 1. Đó là một căn nhà cấp 4 được xây dựng trên một cù lao tam giác ở xã Tam Thôn Hiệp nhìn thẳng ra sông Dừa, xung quanh là sình lầy ngập nước. Đây là nơi làm việc, sinh hoạt của 4 cán bộ, nhân viên, quản lý 14 hộ gia đình và 28 lao động của phân khu.
Anh Trần Văn Hổ, Trưởng Phân khu 1, đón chúng tôi rồi dẫn đi một vòng quanh trụ sở. Đập vào mắt chúng tôi là căn bếp dựng bằng lá đơn sơ, treo đầy xoong nồi đen nhẻm. Anh Hổ chỉ vào bếp củi khuất trong góc, cho biết ở nơi đầu sóng ngọn gió này, điện rất hiếm. Để tiết kiệm, mọi người chỉ dùng củi để nấu nướng.
Ở rừng Cần Giờ, rau xanh cũng là món quý bởi đất ở đây gần như nhiễm phèn toàn bộ, muốn trồng rau phải đầu tư đất, phân và cả nước ngọt từ bờ chuyển ra. Song, quý nhất vẫn là nước ngọt.
Chỉ những bồn chứa nước mưa đặt xung quanh trụ sở Phân khu 1, anh Hổ giải thích: "Nước ở đây 120.000 đồng/khối nhưng thỉnh thoảng mới có thuyền tới đổi. Thế nên, phân khu được trang bị các bồn này để hứng nước mưa dùng. Nhiều hộ dân xung quanh, khi hết nước thường ghé xin, ai muốn múc bao nhiêu cứ múc".
Sóng điện thoại ở Rừng Sác là thứ “xa xỉ”. Nơi nào bắt được sóng, nhân viên bảo vệ rừng lại để điện thoại “hứng” như thế này Ảnh: TUYẾT TRINH
Thấy trên một số cột chống trong gian bếp treo nhiều chai nhựa cắt ngang, chúng tôi tò mò hỏi, anh Hổ trả lời: "Đây là giá treo điện thoại để… bắt sóng". Hóa ra, không chỉ thiếu thốn nhu yếu phẩm, sóng điện thoại ở đây cũng là thứ "xa xỉ". Nơi nào bắt được sóng điện thoại, anh em lại cột những chai thế này để đánh dấu.
Thiếu thốn, khó khăn đủ điều, vậy mà anh Hổ đã bám rừng hơn 20 năm. "Gắn bó riết nên giờ tôi không còn nghĩ đến chuyện lên bờ tìm công việc khác nữa. Quen việc, quen cả mùi sình lầy, vị nước mặn chát ở đây rồi lại thấy bỏ đi chẳng đặng" - anh nói, ánh mắt ngời lên sự vững vàng, kiên định.
Anh Hổ đưa chúng tôi ghé thăm những người thuộc thế hệ thứ hai đang tiếp nối cha mẹ bảo vệ, gìn giữ Rừng Sác. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé đến là gia đình anh Nguyễn Hoàng Phiên - em trai anh Phi, Tổ trưởng Tổ Tự quản Phân khu 1.
Phiên cho biết cha anh, ông Nguyễn Văn Nở, là một trong 10 hộ giữ rừng đầu tiên ở Rừng Sác. Đến năm 2012, Phiên nối nghiệp cha, "một phần do gia đình khó khăn, không có điều kiện lên bờ đi học; một phần đã gắn bó máu thịt với từng gốc cây, ngọn sóng thuở anh em tôi bi bô tập nói".
Phiên nhấn mạnh công việc quan trọng nhất của các hộ dân nhận khoán ở đây là tuần tra rừng. Gia đình anh Phiên đang quản lý 109 ha, trung bình mỗi tháng tuần tra 20-30 lượt bất kể ngày đêm, gồm đi riêng và đi cùng tổ tự quản. Việc tuần tra phải được làm thường xuyên để kịp thời phát hiện nếu có lâm tặc phá rừng hay động vật hoang dã xuất hiện.
Rời nhà anh Phiên, chúng tôi đến chốt giữ rừng của gia đình ông Trần Minh Tùng. Canô chạy giữa Rừng Sác mênh mông, anh Hổ chỉ chúng tôi cách phân biệt cây mắm, đước, sú, vẹt… phủ kín như những "mái nhà". Trong hơn 32.447 ha rừng hiện nay, có trên dưới 60 loài thực vật, mỗi loài đều có vai trò riêng trong "cuộc chiến" với biển. Anh ví von: "Trong đó, đước giữ vai trò củng cố trận địa, bởi với bộ rễ chằng chịt, tán lá cao và rộng, nó có thể giữ lại những gì cần thiết nhất mà nước đã đem lại cho đất".
Phóng mắt ra xung quanh, chúng tôi hết sức mãn nhãn trước cảnh non xanh nước biếc. Thật khó lòng hình dung đây vốn là vùng đất từng oằn mình hứng chịu bom đạn, chất độc hóa học của địch mấy chục năm trước. Màu xanh của cây rừng đã che phủ tất cả vết tích của chiến tranh, khiến du khách khó thể hình dung được đây là vùng đất một thời từng bị bom đạn hủy diệt.
Nói về sự hồi sinh vùng đất chết này, phải kể đến công sức của hàng vạn người từ khắp các quận, huyện của Sài Gòn - TP HCM, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên xung phong đã đổ về đây trồng cây, tái tạo rừng. Trong những người ấy có bà Đinh Thị Hồng, mẹ ông Trần Minh Tùng.
Giống như anh em Phi - Phiên, ông Tùng cũng có tuổi thơ gắn liền với Rừng Sác - Cần Giờ. Ngày nhỏ, ông đã cùng mẹ đi trồng rừng. Lớn lên, nhờ công việc trồng rừng, ông gặp được vợ mình hiện nay. Sau này, vợ chồng ông ở lại Cần Giờ, thay mẹ giữ rừng.
Chiều, canô đưa chúng tôi quay trở về bến tàu. Những tiếng quẫy đập bất chợt giữa lòng nước sâu khiến chúng tôi giật bắn mình vì nhớ đến những câu chuyện kể về vùng nước xưa có nhiều cá sấu nương náu rình rập bắt người này.
Ở rừng nhiều hiểm nguy, điều kiện sống thiếu thốn. Thế nhưng, những cư dân mà chúng tôi đã gặp hoặc biết qua lời kể đều chưa từng có ý định bỏ rừng để lên bờ sinh sống. Nhiều người bám trụ để theo nghề cha mẹ, số khác - như vợ chồng ông Tùng - thì không rời xa được cuộc sống bình yên nhờ được mẹ thiên nhiên bao bọc nơi đây. "Chúng tôi đi đâu cũng gắn bó, làm gì cũng có nhau. Thế là đủ hạnh phúc rồi" - ông Tùng bày tỏ.
Xa xa, nhìn những cánh rừng ngập mặn trùng trùng điệp điệp đã mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái cho Cần Giờ, chúng tôi lại thầm cảm ơn những cư dân Rừng Sác đã bám trụ đến tận hôm nay.
Sợ nhất là mất rừng
Đêm đêm, lái xuồng máy đi tuần tra canh giữ rừng, có đủ thứ hiểm họa chực chờ những người không được vũ trang như anh Nguyễn Hoàng Phiên nếu chẳng may giáp mặt lâm tặc hay thú dữ. Chúng tôi hỏi Phiên có sợ không, anh cười: "Sợ nhất vẫn là mất rừng".
"Ngày trước theo cha đi rừng, tôi đã nhiều lần bắt gặp lâm tặc và "xáp lá cà" trên sông. Sau này, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân nên không còn thấy hiện tượng chặt cây, phá rừng nữa" - anh Phiên cho biết.
Bình luận (0)