Hồ Dầu Tiếng (nằm trên địa bàn 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước) là nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho miền Đông Nam Bộ và địa phương lân cận. Thế nhưng, theo Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (đơn vị quản lý hồ), hồ Dầu Tiếng đang đối mặt trực tiếp với nhiều vấn nạn.
Đơn vị quản lý đang lo sợ
Vấn nạn đầu tiên mà đơn vị quản lý hồ đề cập đến là ô nhiễm từ làng bè, dù các cơ quan chức năng, địa phương đã nhiều lần vận động di dời.
Người dân nuôi cá bè trên lòng hồ Dầu Tiếng tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương gây ô nhiễm nguồn nước
Ghi nhận của phóng viên, làng bè trên hồ Dầu Tiếng ở địa phận xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, có hơn 60 hộ dân đang sinh sống. Trung bình mỗi hộ có từ 2-5 bè cá, mỗi ngày có hàng tấn thức ăn công nghiệp được đưa xuống các bè để cho cá ăn, chưa kể mọi sinh hoạt trong các gia đình ở đây đều diễn ra ngay trên lòng hồ. Những việc này diễn ra đã hơn 20 năm nay, khiến nguồn nước trên hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm nghiêm trọng, màu nước xanh rì, lợn cợn thức ăn thừa của cá và cả rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, đôi lúc có cơn gió mạnh, mùi hôi từ nước dưới hồ hất lên rất khó chịu.
Gần 10 năm qua kể từ khi rời biển hồ Campuchia về sinh sống ở hồ Dầu Tiếng (xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), gia đình ông Trần Văn Tâm coi chiếc bè là nhà, mọi sinh hoạt từ nấu ăn cho đến vệ sinh đều diễn ra trên hồ. Đáng nói, hiện gia đình ông nuôi tới 3 bè cá, đủ các loại như trắm, chép… mỗi bè từ vài trăm đến vài ngàn con trở lên, hằng ngày thu nhập khoảng 300.000-500.000 đồng từ tiền bán cá. Chính vì thu nhập từ nuôi cá bè cơ bản đủ sống nên gia đình ông Tâm vẫn cảm thấy thoải mái khi lênh đênh trên sông nước năm này qua tháng khác. Nói về lý do chưa di dời dù UBND xã Minh Hòa liên tục vận động, nhắc nhở, ông Tâm cho rằng bản thân không có đất để dựng nhà nên mong muốn được ở trên bè vài năm nữa, khi nào kiếm đủ tiền mua đất thì sẽ lên. (?!)
Theo ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, trên lòng hồ thì bị ô nhiễm nguồn nước, còn ven hồ lại bị san lấp, lấn chiếm khiến hồ Dầu Tiếng như đang bị "bức tử". Khu vực bị san lấp, lấn chiếm cũng thuộc địa bàn xã Minh Hòa. Nguyên nhân là do thời gian gần đây, tại Dầu Tiếng có tình trạng "sốt đất", nhiều người lên đây để đầu tư khu du lịch, do đó đã có nhiều cá nhân tự ý san lấp, lấn chiếm diện tích đất ven hồ để làm hàng quán và đào ao.
"Mặc dù, công ty chúng tôi đã cắm mốc, phân định ranh giới diện tích đất bán ngập của hồ nhưng các đối tượng lợi dụng mực nước xuống thấp, đưa phương tiện, máy móc vào đào bới, san lấp và làm công trình. Theo ước lượng ban đầu của đoàn kiểm tra, phần đất bị san lấp có chiều dài khoảng gần chục cây số, rộng từ 100 m đến hơn 200 m. Tính tổng diện tích bị lấn chiếm có thể lên đến khoảng 5-6 ha. Trong diện tích bị san lấp, có những con suối nhỏ từ rừng cây, vườn cao su chảy ra hồ" - ông Bùi Đăng Khoa nói trong lo lắng và mong có sự phối hợp xử lý dứt điểm để bảo vệ an toàn cho hồ Dầu Tiếng.
Tiếp tục cam kết!
Nói thêm về việc lấn đất ven hồ Dầu Tiếng, ông Bùi Đăng Khoa khẳng định công trình lấn chiếm đất hồ, san lấp đều không có sự cho phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Vậy mà, bất chấp việc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã nhiều lần nhắc nhở, lập biên bản đề nghị dừng lại nhưng mỗi khi đoàn kiểm tra hoặc người của công ty đi về thì họ lại tiếp tục thực hiện đào, lấp, xây dựng.
Về vấn đề này, ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, thừa nhận nhưng cho rằng chỉ có vài hộ gia đình san lấp đất ven hồ, nhưng diện tích này nằm ở vùng bán ngập thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. (?!). "Đối với trách nhiệm quản lý trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các xã ven hồ tăng cường vai trò kiểm tra phối hợp với doanh nghiệp để ngăn chặn, kịp thời xử lý" - ông Tuyên nói và khẳng định không cấp phép cho một đơn vị nào để làm du lịch ở khu vực bán ngập này. "UBND huyện cũng đã chỉ đạo công an kinh tế và Phòng Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm, trường hợp nào đã vi phạm thì lập biên bản, xử lý phạt và bắt buộc khắc phục hậu quả" - ông Tuyên thông tin.
Đối với ô nhiễm từ làng bè, theo tìm hiểu, 5 năm qua, huyện Dầu Tiếng liên tục tổ chức các đoàn đến vận động người dân làng bè lên bờ. Sau khi được vận động, nhiều hộ dân đã lên vùng đất bán ngập của lòng hồ, tự xây nhà. Tuy nhiên, diện tích đất có hạn nên địa phương không thể giải quyết chỗ ở cho tất cả các hộ nên nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống dưới bè.
Thế nhưng, trước tình trạng "rên xiết" của hồ Dầu Tiếng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho hay hiện địa phương đang ráo riết rà soát danh sách những hộ sống trong lòng hồ. Đối với các hộ chưa có giấy tờ tùy thân, địa phương đang thống kê xin ý kiến làm giấy tờ để có thể rời làng bè, kiếm việc làm và nơi ở ổn định. Việc giải quyết những vấn đề an sinh xã hội như nhà ở, việc làm, địa phương đã có tính toán và đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương.
Công trình quốc gia đặc biệt quan trọng
Ông Bùi Đăng Khoa nhấn mạnh công trình hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho 5 tỉnh, thành: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và TP HCM; phòng - cắt lũ, đẩy mặn và cải tạo môi trường cho hạ du. Với dung tích 1,58 tỉ mét khối nước, diện tích mặt nước 2.700 ha, hồ Dầu Tiếng có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng như nuôi trồng.
"Giả sử lòng hồ là bàn tay thì các nhánh suối là ngón tay, các ngón tay này mùa mưa có nhiệm vụ tích nước để dự trữ cho mùa khô. Nhưng nay, một số con suối đang bị "xóa sổ" bởi các đối tượng san lấp trái phép. Ngoài ra, việc lấn chiếm lòng hồ còn ảnh hưởng đến diện tích hồ khiến lòng hồ và diện tích chứa nước bị thu hẹp" - ông Khoa tiếp tục lo lắng..
Bình luận (0)