Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai báo cáo về nội dung Báo Người Lao Động phản ánh trong bài viết "Chuyện lạ ở Gia Lai: Cấp bò không đứng được cho dân nghèo làm giống".
Bò biết... ăn vạ!
Theo báo cáo này, năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư nguồn vốn bảo đảm xã hội với tổng kinh phí hơn 73,5 tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai (gọi tắt là Công ty Miền núi Gia Lai) là đơn vị cung ứng, cấp phát bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn với tổng số tiền gần 39,2 tỉ đồng. Đến ngày 12-12, Công ty Miền núi Gia Lai đã cấp được 1.538 con bò giống với tổng giá trị gần 17,5 tỉ đồng. Bò cấp cho người dân phải bảo đảm các tiêu chí như trọng lượng từ 125-135 kg/con, từ 12-24 tháng tuổi, khỏe mạnh bình thường, được tiêm phòng.
Ngày 5-12, có 20 con bò, mỗi con trị giá 16,4 triệu đồng được cấp cho 20 người dân xã Kông Htok, huyện Chư Sê. Tuy nhiên, sau khi nhận bò rời khỏi trụ sở UBND xã chừng 100 m thì con bò cấp cho gia đình ông Siu Glak nằm vật xuống đường nên ông phải gọi xe công nông đưa về. Cùng lúc này, trong trụ sở UBND xã còn có một con bò khác cũng lâm vào tình trạng tương tự nên người dân không nhận, đơn vị cung ứng phải cho xe tới chở đi.
Giải thích về vụ việc, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho rằng do bò quen sống thành đàn và chưa bao giờ cột dây nên khi bị tách đàn và buộc dây, bò rất nhút nhát. Trong quá trình vận chuyển bằng xe tải, một số bò sợ hãi nên khi xuống khỏi xe thì bỏ chạy. Nếu bị cột lại thì nằm vạ một thời gian và đây là... đặc tính của bò sống theo bầy đàn (?!).
Tại các địa phương khác, nhiều con bò cấp cho người dân gầy trơ xương, thậm chí bị bệnh. Con bò có số tai 00674 được cấp cho gia đình ông Rchâm Ky (làng Ia Châm, xã Kông Htok) còi cọc, gầy trơ xương khiến ông Ky rất thất vọng. "Bò gầy quá, không biết về chăn nó có lớn nổi không" - ông Ky lo lắng nói nhưng vẫn dắt bò về nhà.
Còn chị Đinh H’Nhơn (làng Tung Ke 1, xã Ayun, huyện Chư Sê) cho biết cách đây khoảng 1 tháng, chị nhận được bò giống theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo. Tuy nhiên, khi đưa về nhà thì con bò bị lở loét nhiều nơi trên cơ thể. "Thấy bò bị bệnh nên tôi không đồng ý nhưng khi báo cho thôn trưởng, cán bộ xã thì những người này nói cứ bôi thuốc là khỏi. Vậy mà đến nay, tôi bôi thuốc mãi nhưng vẫn không khỏi, cứ lủng thịt ra" - chị Đinh H’Nhơn bức xúc.
Con bò cấp cho hộ ông Siu Glak (xã Kông Htok) ngã vật phải dùng xe công nông đưa về nhà
Chết hàng loạt
Trong các năm 2017 và 2018 tại nhiều địa phương, hộ nghèo sau khi nhận được bò do Công ty Miền núi Gia Lai cung ứng cũng xảy ra tình trạng bò chết hàng loạt. Xã Ayun, huyện Chư Sê là một trong những xã vùng III, thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai với đa số dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo. Hằng năm, người dân xã này được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng và đặc biệt là bò giống để người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người không thể thoát nghèo khi bò được cấp cứ lăn đùng ra chết.
Anh Đinh Klốt (làng Tung Ke 1, xã Ayun) cho biết năm 2018, anh và 5 hộ khác được cấp mỗi hộ 1 con bò. Sau vài tháng, cả 6 con bò bỏ ăn, bệnh đường ruột rồi chết. "Sau khi bò chết thì cán bộ có dặn chúng tôi rằng nếu người ở trên xuống hỏi thì nói bò vẫn còn sống, đang chăn thả. Tôi không đồng ý nên dặn những hộ khác nếu bò chết thì cứ báo là chết" - anh Đinh Klốt kể. Theo anh Đinh Klốt, cán bộ xã cứ đổ lỗi do người dân không biết chăm sóc nhưng thực tế bao nhiêu năm qua, người dân vẫn chăm sóc như vậy mà bò không chết hàng loạt như bò được cấp.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Ayun, thống kê trong năm 2017 và 2018, Công ty Miền núi Gia Lai đã cấp tổng cộng 70 con bò cho người nghèo trong xã nhưng có đến 23 con bị chết. Ông Thanh cho rằng nguyên nhân là do cấp bò lai, người dân chăm sóc không kỹ, mùa khô thiếu thức ăn và một phần do bò... được thả rông (!?).
Trong 2 năm này, tại xã Dun, huyện Chư Sê cũng được Công ty Miền núi Gia Lai đưa về 16 con bò cấp cho dân theo chương trình giảm nghèo bền vững cho người dân. Sau 30 ngày thì bò ăn ít và chết 5 con. Ông Võ Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Dun, cho rằng nguyên nhân bò chết là do một số không thích nghi được với đồng cỏ, thời tiết tại địa phương, một số khác thì quá nhỏ, gầy, gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Chỉ có 1 con do người dân không cẩn thận để bò ăn phải thức ăn nhiễm thuốc diệt cỏ.
Ông Rchâm Ky nhận về con bò giống gầy trơ xương
Bò gầy nhưng giá cao
Qua ghi nhận tại các địa phương, sau khi nhận cấp phát các mặt hàng chính sách, công ty cung ứng không có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, tình hình phát triển vật nuôi hay chất lượng giống để giải quyết kịp thời, có hướng điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.
Theo quy định, hằng năm, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định giá mua, chi phí vận chuyển, chi phí cấp phát bò giống cho các hộ dân và chỉ đạo một số sở, ngành của tỉnh tổ chức thực hiện. Tuy vậy, nếu so với giá thị trường thì mức giá của các mặt hàng chính sách cao hơn nhiều. Ông Phạm Huy Cường, một người chuyên đi buôn bò tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), cho biết hiện nay theo giá thị trường, mỗi con bò có trọng lượng khoảng 130 kg (tương đương với con bò lai được cấp cho các hộ dân nghèo) chỉ có giá khoảng 8 triệu đồng.
Đánh giá về giá trị mỗi con bò được cấp hằng năm, ông Rơ Lal Thoa, Bí thư Đảng ủy xã Dun, nói bò được cấp có giá từ 14-16 triệu đồng/con nhưng rất nhỏ. Nếu cấp số tiền này cho người dân thì họ có thể mua được 1 cặp bò mẹ - con.
Năm 2019, mỗi con bò được cung ứng có giá 16,4 triệu đồng. Theo một cán bộ phụ trách cấp phát bò cho người dân ở huyện Chư Prông thì với giá thị trường 1 con bò lai này có giá chỉ khoảng 12 triệu đồng.
Thống kê từ năm 2012 đến 2016, UBND tỉnh Gia Lai đã chi tổng cộng hơn 414 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Dương Ngọc Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, cho biết đối với bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số vùng khó khăn thì phải có nguồn gốc rõ ràng. Bò phải được tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và nuôi cách ly ít nhất 21 ngày trước khi cấp phát cho dân. Trong thời gian nuôi phải có cán bộ thú y theo dõi, nếu bị bệnh phải xử lý theo quy định. Về việc tại sao thực hiện đầy đủ các quy định mà sau khi cấp bò cho người dân lại chết hàng loạt như ở xã Ayun, ông Thanh nói chưa nắm thông tin và sẽ cho người kiểm tra lại.
Trở thành gánh nặng
Ngày 26-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã cung cấp cho Báo Người Lao Động báo cáo khảo sát thực tế (từ năm 2012-2017) tại một số hộ nghèo được cấp giống cây, vật nuôi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, một số địa phương sau khi nhận bò giống thì bò bị chết. Cơ quan hữu trách địa phương không được chọn giống bò, những con giống này không phù hợp với khí hậu, thời tiết, điều kiện chăn nuôi tại địa phương nên bị bệnh. Một số hộ nghèo sau khi nhận bò càng khó khăn hơn khi bò không phát triển, không sinh sản hoặc chết.
Kỳ tới: Độc quyền cung ứng
Bình luận (0)