Do ảnh hưởng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS Cov-2 (Covid-19), nhiều ngành sản xuất trong nước đang phải đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào.
Giải pháp linh hoạt là cấp thiết
Chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô đang lo thiếu hụt nguồn linh phụ kiện nhập khẩu để sản xuất. Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp (DN) sản xuất ôtô dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 3, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt đến tình hình sản xuất trong nước, sản lượng sản xuất sẽ bắt đầu giảm.
Hiện nay, ngoài Trung Quốc, các DN lắp ráp xe còn nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước này cũng đang có số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Diễn biến này khiến các DN càng khó khăn hơn về nguồn cung linh phụ kiện. "Một số DN, đặc biệt là các DN sản xuất xe tải như Công ty CP Ôtô TMT đang thiếu lao động bởi đội ngũ chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa trở lại Việt Nam làm việc" - ông Trương Thanh Hoài cho hay.
Nhiều doanh nghiệp dệt may nguy cơ thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở Trung Quốc
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho rằng dù cần bảo đảm phòng chống dịch nhưng cũng nên có phương án tạo thuận lợi nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trực tiếp đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới để thông quan nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Về lâu dài, các DN kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô; chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước.
Cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các DN điện - điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3-2020. Ông Trương Thanh Hoài nhấn mạnh nguyên phụ liệu cao cấp, linh kiện, phụ tùng rất khó tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu và yêu cầu riêng biệt về kỹ thuật, chất lượng của từng công ty.
Đi vào những khó khăn cụ thể, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung Việt Nam) cho biết việc kiểm soát biên giới nhằm phòng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số mẫu sản phẩm chiến lược đời mới của hãng do linh phụ kiện sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc, qua cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, khi Hàn Quốc bùng phát dịch, 1 nhà máy Samsung tại quốc gia này đã đóng cửa nên Samsung Việt Nam dự báo tình hình bảo đảm yếu tố đầu vào cho sản xuất khó khăn hơn. Do đó, việc áp dụng giải pháp linh hoạt để nhập khẩu linh kiện, phụ kiện tại cửa khẩu đường bộ phía Bắc là một giải pháp cấp thiết được Samsung kiến nghị.
Về dài hạn, nếu dịch còn diễn biến phức tạp, Samsung đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng linh phụ kiện qua đường hàng không hoặc đường biển. Tuy nhiên, chi phí cao và khó đáp ứng được sản lượng.
Tìm nguồn cung mới
Với 60% vải, hơn 55% xơ sợi và 45% phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ cho sản xuất hằng năm, ngành dệt may đang đứng trước những thách thức rất lớn do dịch Covid-19. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), khẳng định hầu hết DN dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới tháng 3 hoặc đầu tháng 4, nên nguy cơ thiếu nguyên liệu là hiện hữu nếu không có các nguồn cung thay thế kịp thời.
Theo ông Trương Văn Cẩm, để chủ động ứng phó, DN trong nước đang tích cực tìm kiếm các nguồn cung trong nước và nguồn từ các nước/vùng lãnh thổ khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ. Tuy nhiên, các nguyên vật liệu từ các nguồn cung này chưa đa dạng, phong phú về mẫu mã, khó đáp ứng các đơn hàng nhỏ lẻ, đặc biệt giá cả không cạnh tranh như thị trường Trung Quốc.
Đại diện Công ty TNHH Dệt Hiểu Huy, một DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở tỉnh Vĩnh Phúc, đã tìm thị trường nguồn cung nguyên liệu mới từ Thái Lan và một số nước khác nhưng giá cao hơn từ 10%-20% so với nhập từ Trung Quốc. Dù vậy, DN này vẫn phải nhập nguyên liệu để ổn định sản xuất và cung ứng các đơn hàng cho đối tác. Lãnh đạo Công ty TNHH Dệt Hiểu Huy kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc làm thủ tục hải quan khi Việt Nam và Trung Quốc đã thông quan trở lại. Đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên liệu mới, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho DN.
Gỡ vướng về thuế
Để "vượt bão" Covid-19, VITAS kiến nghị Chính phủ làm việc với phía Trung Quốc để có phương án vừa chống dịch vừa thông quan hàng hóa, bảo đảm nguồn cung cho DN. Đồng thời, hỗ trợ DN giảm tiền điện, nước, nhiên liệu, thuế đất, lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ. VITAS đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn DN về trả lương ngừng việc trong trường hợp phải bố trí ngừng việc kéo dài. "Cần có sự chia sẻ của nhà nước với DN và người lao động trong điều kiện khó khăn vì dịch như hiện nay, bởi các DN của ngành sử dụng nhiều lao động mà buộc phải đóng cửa thì hàng trăm ngàn người lao động sẽ không có việc làm" - đại diện hiệp hội nhấn mạnh.
Ngành dệt may, da giày cũng mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính tháo gỡ những khó khăn về thuế như hoàn thuế GTGT cho các dự án đầu tư mở rộng, bỏ quy định nộp thuế GTGT đối với DN sử dụng vải trong nước để sản xuất, xuất khẩu, thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau. Các DN cũng đề nghị có sự đồng hành của Bộ Giao thông Vận tải trong việc giảm phí cầu đường, bến cảng để tiết kiệm chi phí trong thời điểm khó khăn này.
Để gỡ khó về nguồn cung nguyên liệu, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, bảo đảm nhanh chóng thuận lợi nhưng cũng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
"Giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ DN hoán đổi mã vật tư nguyên liệu, nhằm khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động" - ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Biến khó khăn thành cơ hội
Trước khó khăn của DN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Công nghiệp khẩn trương ghi nhận nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất thời điểm này đồng thời, tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ cho các thương vụ và chi nhánh thương vụ tìm kiếm các nhà phân phối nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ DN trong nước với nhà cung cấp nước ngoài.
Về lâu dài, người đứng đầu ngành công thương cho rằng cần có biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng phải biến "nguy thành cơ", khó khăn hiện tại đang khơi dậy động lực và mở ra cơ hội cho việc đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy tăng tỉ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á.
Xuất nhập khẩu vẫn tăng 2,4%
Theo số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước ước tính đạt 74 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỉ USD, nhập khẩu đạt 37,1 tỉ USD.
Mặc dù hoạt động XNK hàng hóa đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng trong tháng 2, Samsung Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên XNK 2 tháng đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so sánh kim ngạch XNK hàng hóa của 2 tháng đầu năm với 2 tháng cuối năm trước sẽ thấy sự sụt giảm rất mạnh. Hai tháng cuối năm 2019, kim ngạch XNK hàng hóa đạt gần 89 tỉ USD, cao hơn 2 tháng đầu năm nay 15 tỉ USD.
Trong tháng 2-2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,6 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, như thủy sản giảm 17,7%, rau quả giảm 17,4%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 9,8 tỉ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là thị trường Trung Quốc đạt 4,8 tỉ USD, tăng 3,7%.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2 đạt 18,5 tỉ USD, giảm 0,5% so với tháng trước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 10 tỉ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận (0)