Ngày 8-4, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Hỗ trợ 20 triệu người trong 3 tháng
Theo báo cáo của Chính phủ, dự báo có từ 2 - 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc do dịch Covid-19. Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân với quy mô dự kiến 62.000 tỉ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) cho khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng trong thời gian tối đa 3 tháng.
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban về Các vấn đề xã hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao với đề nghị của Chính phủ.
Về đối tượng thụ hưởng, các thành viên UBTVQH nhấn mạnh phải bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng. Cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm công bằng. Việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo đang đối mặt hạn mặn ở ĐBSCL, mưa đá ở vùng miền núi phía Bắc...
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc họp
Làm nhanh và không để trục lợi chính sách
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định UBTVQH thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19; bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý; công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.
UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục. Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách. Một số vấn đề liên quan đến việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Thống nhất thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, trong trường hợp phải kéo dài thì báo cáo UBTVQH.
Tại cuộc họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách ban hành, các ngành, các cấp tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân.
"Đoàn kết chống Covid-19"
Đó là chủ đề thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương ngày 8-4.
Trong thông điệp, Thủ tướng nêu bài học kinh nghiệm của Việt Nam là sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của Covid-19, ngay từ đầu đã chủ động "chống dịch như chống giặc". Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào, chữa khỏi gần 50% ca nhiễm...
Việt Nam chia sẻ ý kiến chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, khi đại dịch Covid-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có "đại nỗ lực" và "đại đoàn kết". Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác phòng chống Covid-19 và đang cùng các nước thành viên hành động mạnh mẽ. Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế... cho nhiều nước. "Tôi tin chắc rằng sát cánh bên nhau chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, cùng nhau hợp tác phát triển thịnh vượng hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hiệp Quốc" - Thủ tướng nêu rõ.
D.Ngọc
Bình luận (0)