Chúng ta đang đứng trước một số lựa chọn có sự xung đột với nhau. Tỉ lệ lao động có trình độ GDĐH khoảng trên 12%, còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực (ở các quốc gia phát triển thì tỉ lệ này vào khoảng 25%-30%). Nhu cầu đào tạo nhân lực có trình độ ĐH vẫn phải tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân muốn học ĐH.
Tuy nhiên, xuất hiện mâu thuẫn giữa tăng quy mô (mở rộng cơ hội học ĐH) và chất lượng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, buộc các cơ sở GDĐH phải điều tiết lại mức học phí bằng cách thu học phí tăng thêm. Khi tăng đến mức nào đó sẽ lại mâu thuẫn với việc tạo cơ hội học tập ĐH của một bộ phận dân nghèo sống ở nông thôn, miền núi, ven biển có thu nhập thấp. Mặc dù mức cho sinh viên nghèo vay để đi học tăng lên và dự kiến đến 4 triệu đồng/tháng nhưng học phí tăng cao cộng với chi phí cuộc sống đắt đỏ chắc chắn sẽ hạn chế giấc mơ học ĐH của nhiều sinh viên.
Dù tăng học phí là việc chẳng đặng đừng nếu muốn vì một nền GDĐH có chất lượng cao, nhưng dư luận vẫn băn khoăn về chất lượng đào tạo có tăng tương ứng?
Một chính sách tăng học phí rất cần với các chính sách khác đi kèm một cách đồng bộ để tăng chất lượng đào tạo (tuyển dụng giảng viên giỏi; mua sắm thiết bị, sách; tinh giản chương trình, ứng dụng công nghệ dạy học mới); cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Đồng thời, nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí và minh bạch thông tin tài chính và chất lượng. Một số trường lập lờ không công bố học phí toàn khóa để cho sinh viên và gia đình có kế hoạch tài chính trong 4-5 năm học. Khi người học đã vào học hoặc học ở năm thứ hai, thứ ba, học phí tăng vọt thì người học lâm vào thế khó, buông bỏ thì không thể mà ở lại học tiếp thì nặng gánh lo tài chính.
Một trường ĐH công lập thì không nên chỉ chăm chăm vào thu học phí để trang trải cho mọi chi phí mà cần tăng thu và quản lý hiệu quả các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho xã hội. Nhà nước cũng nên có chính sách đầu tư tài chính cho cả trường ĐH tư, vì suy cho cùng GDĐH đáp ứng nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và của nhà nước. Những học phần nào thuộc chương trình vì lợi ích quốc gia thì nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cho cả trường công và trường tư nhằm giảm bớt gánh nặng học phí.
Hiện có một số trường ĐH quảng bá ngành học mới nhưng đa phần nội dung lại không mới và so với chương trình của nước ngoài cùng ngành học thì thông tin của trường thiếu minh bạch và chuẩn xác. Do đó, việc kiểm định chất lượng cũng rất cần có quy định chặt chẽ để đi vào thực chất hơn, góp phần cải thiện chất lượng đào tạo, tránh làm hình thức khiến người học bối rối trước các thông tin quảng bá của nhà trường.
Bình luận (0)