Ngày 31-5, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) ở Huế đã tổ chức tọa đàm khoa học "Công lao và những đóng góp quan trọng của vua Gia Long" nhân kỷ niệm 220 năm ngày vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn lên ngôi hoàng đế.
Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi tham luận tham gia đóng góp ý kiến.
Các nhà lịch sử, nhà nghiên cứu nêu ý kiến tại buổi tọa đàm
Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, cho rằng cần có sự nhìn nhận một cách khách quan về những cống hiến của vua Gia Long trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện nay và đề xuất việc đặt tên đường mang tên Gia Long ông ở TP Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng sau gần 300 năm phân ly, từ 1553 đến 1802, thì đất nước dưới thời vua Gia Long mới được thống nhất về mặt lãnh thổ, còn nhiều mảng vỡ chưa được hàn gắn. Vua Gia Long đã thực hiện hàng loạt các kế sách về quản lý hành chính xã hội, xây dựng hệ thống pháp luật, chấn hưng giáo dục khoa cử và học thuật…
Ông Hoa đồng tình với việc nên chọn một con đường khang trang nằm ở trong Hoàng thành Huế để đặt tên Gia Long.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vua Gia Long là người mở đầu cho vương triều Nguyễn, đã ổn định và phục hồi nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước sau thời gian dài phân ly.
Trong 18 năm trị vì, ông đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khu vực thời bấy giờ. "Đây là vị vua đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với nhiều đảo, quần đảo ở biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hệ thống kiến trúc kinh thành Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cũng do vị hoàng đế này cho triển khai xây dựng" – ông Hải nêu ý kiến.
Bình luận (0)