Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, từ lâu địa phương đã xác định để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao đời sống người dân, nhất thiết phải sớm hoàn thiện mạng lưới giao thông, nhất là các dự án giao thông mang tính kết nối vùng. "Trái ngọt sắp tới chính là những cây cầu kết nối với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai đang được hối hả triển khai thực hiện" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nói.
Phá thế "ngăn sông"
"Trái ngọt" mà ông Mai Hùng Dũng nhắc đến đầu tiên phải kể đến là dự án xây cầu và đường kết nối giao thông Bình Dương - Tây Ninh. Đây là công trình được xây dựng tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), với chiều dài tuyến hơn 800 m, trong đó cầu dài 330 m, phần đường dẫn phía Bình Dương dài gần 378 m, phần đường dẫn phía Tây Ninh dài 92 m. Tổng mức đầu tư phía Bình Dương khoảng 370 tỉ đồng, còn phía Tây Ninh là 518 tỉ đồng. "Sau thời gian thi công, hiện dự án đang được đẩy nhanh tối đa để đến cuối năm 2022 hoàn thành và đưa vào sử dụng" - ông Mai Hùng Dũng thông tin.
Dự án cầu và đường kết nối huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2022
Ở phía kết nối với Đồng Nai, thông tin mới và "nóng" nhất là tại buổi làm việc về kết nối các tuyến giao thông, 2 địa phương đã cơ bản thống nhất cập nhật quy hoạch cầu Hiếu Liêm vào quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nghiên cứu thêm một cầu kết nối với Bình Dương qua sông Đồng Nai đoạn giữa cầu Hiếu Liêm và đường Vành đai 4 TP HCM. Như vậy, sẽ có tổng cộng 4 cây cầu kết nối giữa 2 địa phương. "Ngoài cầu Thạnh Hội 2 đã sử dụng, trong năm 2023, cầu Bạch Đằng 2 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng" - ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, nói.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, dự án cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án cùng 2 đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km; trong đó, cầu dài khoảng 410 m, rộng 17 m, có 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 420 tỉ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỉ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn. "Hiện 2 địa phương đang gấp rút thực hiện các bước để dự án về đích đúng tiến độ đề ra" - ông Nguyễn Anh Minh cho biết.
Đẩy nhanh các dự án ngàn tỉ
Nói về ý nghĩa của cầu Bạch Đằng 2, ông Nguyễn Thành Thuộc (chủ DNTN ở Đồng Nai) cho rằng việc lưu thông qua lại giữa các địa phương ở tỉnh Đồng Nai và Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn bởi vị trí các cây cầu hiện có cách khá xa đã gây trở ngại không nhỏ về giao thông, kéo theo sự hạn chế về phát triển kinh tế, thương mại, nhất là kết nối giữa trung tâm thị xã Tân Uyên với huyện Vĩnh Cửu. "Do đó, khi cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng, đời sống người dân, doanh nghiệp chắc chắn cải thiện" - ông Thuộc nói.
Về dự án cầu đường kết nối Bình Dương - Tây Ninh, ông Võ Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH Tân Ngọc Lực (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh), phân tích hiện doanh nghiệp phải đi đường vòng xuống cây cầu cũ, mất rất nhiều thời gian, chi phí. "Tiết kiệm thời gian, chi phí là bài toán quan trọng. Có thể khẳng định dự án trên đã đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương nói chung và doanh nghiệp chúng tôi nói riêng" - ông Lực nhấn mạnh.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đang được tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cũng nhấn mạnh 2 công trình trên sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả 3 địa phương. Bởi bảo đảm nối liền mạng lưới giao thông trong khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo trục kết nối giữa Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Nắm rõ lợi thế của giao thông nên hiện tại Bình Dương cũng đang tập trung đẩy nhanh thực hiện nhiều dự án ngàn tỉ đồng. Đó là các dự án như: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Vành đai 3 TP HCM; đường Vành đai 4, dự án nút giao Sóng Thần... Cùng với đó là dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747b, ĐT743..." - ông Nguyễn Anh Minh cho hay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, để các dự án giao thông trọng điểm về đích đúng tiến độ, góp phần đưa Bình Dương phát triển nhanh và bền vững, các đơn vị phải tập trung lãnh đạo, tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng. "Giải phóng mặt bằng luôn là khâu then chốt, vì vậy cần vận động, thuyết phục để nhân dân đồng tình, đồng thuận, tất cả vì mục tiêu phát triển, chăm lo tốt đời sống nhân dân. Mỗi dự án phải có một tổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại của người dân ngay cả ở hiện trường" - ông Nguyễn Văn Lợi nói.
Bình luận (0)