Ngày 13-12, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương" đã được tổ chức tại Hà Nội, kết nối trực tuyến tới các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thúc đẩy thương mại, đầu tư
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đây là dịp quan trọng để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương đánh giá toàn diện, rút ra bài học từ thực tiễn triển khai công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá công tác ngoại vụ địa phương đã có những bước phát triển nhanh chóng, thay đổi cả về chất và lượng, ngày càng chuyên nghiệp hơn, tham mưu đắc lực cho lãnh đạo địa phương trong việc triển khai công tác đối ngoại tại địa bàn.
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, việc chủ động đổi mới nội dung, hình thức triển khai phù hợp đã giúp duy trì và nâng cao chất lượng giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước, góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở ra phương hướng hợp tác mới cho các địa phương Việt Nam.
Ông Bùi Lê Thái, Chánh Văn phòng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, cho rằng các địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo hướng tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, với trọng tâm là kinh tế. Ông đề nghị các địa phương chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký với các đối tác, tránh tình trạng ký rồi để đấy...
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Tìm cách làm mới, hiệu quả thiết thực
Trong khuôn khổ hội nghị, chiều cùng ngày, tọa đàm "Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam" đã diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến với gần 300 điểm cầu ở Việt Nam và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết với tổng số vốn 16 tỉ USD, lần đầu tiên Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhấn mạnh "sự đồng hành của các doanh nghiệp và địa phương đóng vai trò thiết yếu trên hành trình hội nhập và phát triển của Việt Nam", ông Tô Anh Dũng khẳng định với mạng lưới 94 cơ quan đại diện tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẵn sàng làm cầu nối đưa các đối tác đến gần hơn với Việt Nam; đưa các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Tại phiên "Kết nối vì phát triển", các diễn giả từ một số cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam (Lào, Nhật Bản, Nga, Pháp) và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh - Trung Quốc đã trao đổi về việc triển khai hợp tác cấp địa phương giữa Việt Nam và nước đối tác. Khi chia sẻ về những khó khăn do đại dịch Covid-19 trong triển khai hợp tác cấp địa phương, các diễn giả đánh giá cao những kết quả đạt được và bày tỏ ấn tượng với những cách làm mới, mang lại hiệu quả hợp tác thiết thực, như: gặp gỡ/kết nối trực tuyến giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, thiết lập các cặp quan hệ kết nghĩa cấp địa phương. Đại diện một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bắc Ninh… cũng chia sẻ tại tọa đàm những kinh nghiệm và bài học rút ra từ triển khai hợp tác hiệu quả với các đối tác nước ngoài.
Tiếp đó, trong phiên "Hợp tác đầu tư và thương mại", đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các diễn giả quốc tế đã chỉ ra những cơ hội hợp tác, đồng hành với các địa phương Việt Nam vượt qua đại dịch, tái mở cửa, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu được các diễn giả xác định là đòn bẩy quan trọng thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại thời gian tới.
Nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương tại nước ngoài được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam và đại diện Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra. Lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang cũng trao đổi tại tọa đàm về kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác cùng các doanh nghiệp nước ngoài tại địa bàn trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cần phải chủ động vươn ra thế giới
Qua thực tế công tác tại một thị trường có tính cạnh tranh cao hàng đầu thế giới, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh các địa phương, doanh nghiệp cần phải chủ động vươn ra bên ngoài, nêu yêu cầu với các cơ quan đại diện. "Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt khi các đối tác, các địa phương nước khác "xông vào" Mỹ. Địa phương của Việt Nam cần gỡ bỏ tâm lý chờ bên ngoài đến với mình. Mình cần đến với họ và thuyết phục họ khi họ có rất nhiều lựa chọn" - ông nhấn mạnh. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, nhiều địa phương làm rất tốt công việc này như TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương…
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cho rằng không chỉ riêng TP HCM mà các địa phương khác và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang rất mong nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế bình thường để những doanh nghiệp, nhà đầu tư được vào lại Việt Nam. Đại sứ Lê Linh Lan cho biết bà đã nhận được rất nhiều yêu cầu, đề nghị của các doanh nghiệp Thụy Sĩ và châu Âu mong muốn quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu thực tế, tìm kiếm những cơ hội đầu tư.
Bình luận (0)