Từ TP Hà Nội, ngược Quốc lộ 6 đi 130 km là tới huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - cửa ngõ của vùng Tây Bắc Việt Nam, bạn sẽ gặp lại "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng. Vượt qua những con dốc dựng đứng uốn lượn ngoằn ngoèo thêm hơn 10 km nữa là tới một thế giới riêng biệt - xã Pà Cò. Xã nằm trên dãy núi đá vôi Pà Cò, nóc nhà phía Tây Bắc của tỉnh Hòa Bình.
Kỳ bí trà cổ
Tôi tìm đến bản Trà Đáy, xã Pà Cò - nơi được coi là thủ phủ của cây trà (chè) cổ Pà Cò. Vừa thấy khách, bà Mùa Y Máy (69 tuổi, người H’Mông) ngừng tay hái trà, tụt từ trên cây trà cao quá mái nhà xuống tiếp chuyện.
Bà Mùa Y Máy cho biết trong vườn nhà có 11 cây trà to, cao, từ mấy đời rồi. Nếu vào trong rừng già, đi vài ngày đường sẽ thấy nhiều cây trà shan tuyết cổ thụ hơn. Bố bà là ông Mùa A Giàng rất thích uống trà, cứ mỗi lần đi rừng, ông đều hái trà về sao uống. Ông dạy bà cách hái, cách sao trà từ lúc bà mới 13 tuổi. "Trà hái về thái mỏng, phơi héo rồi sao trên chảo gang, xong cho vào bao tải để dành uống quanh năm hoặc mang ra chợ Xà Lĩnh họp sáng chủ nhật hằng tuần để bán. Mấy năm nay, tôi còn gửi bán cho khách ở tận TP HCM, giá 300.000 đồng/kg" - bà Mùa Y Máy khoe.
Theo bà Mùa Y Máy, trà ở đây ngon nhờ có sương mù. Trà uống sương mù thành tuyết. Búp trà sao xong có một lớp lông tơ trắng muốt. Chén trà rót ra, nước vàng óng, thơm ngát, nhấp một ngụm thấy chan chát nhưng vài phút sau, vị ngòn ngọt lại đọng mãi nơi đầu lưỡi, cổ họng, thấm đến từng khúc ruột.
Tìm đến nhà ông Sùng A Lứ, người H’Mông, ở bản Pà Háng, xã Pà Cò. Đã 82 tuổi nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Bên chén trà shan tuyết ngát hương, ngọt vị, ông kể: "Tôi sinh ra đã thấy những gốc trà to 2-3 người ôm. Cũng không biết nó đã ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các cụ nói lại thôi. Chuyện xưa có con chim đại bàng từ đâu bay đến, ăn quả rồi nhả ra một hạt rất lạ. Hạt cây đó rơi xuống đất, lớn lên thành cây. Người dân hái lá cây nhấm thử, thấy tinh thần sảng khoái, từ đó truyền nhau lấy lá về vò rồi đun nước uống. Lá cây đó chính là lá chè". Ông Sùng A Lứ cho biết câu chuyện kỳ bí này được truyền tụng qua bao đời, vì thế người H’Mông xem trà shan tuyết cổ thụ là loại cây quý.
Nằm ở độ cao 1.343 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ, khí hậu mát mẻ, vùng núi Pà Cò có các cây trà shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc rải rác khắp 9 bản của xã. Xưa kia, cả vùng Pà Cò rộng lớn này là tà sùa (bãi trà). Còn dãy núi Pà Háng là tẩu sùa (núi trà). Trà mọc thành rừng, mênh mông bát ngát suốt từ Trà Đáy xuống Xà Lĩnh. Cây trà mọc ken dày đến nỗi người ta có thể di chuyển hàng cây số trên những tán trà mà không cần đặt chân xuống đất. Có những gốc trà to bằng thùng phuy khiến nhiều người đi giữa những cây trà mà cứ tưởng lạc trong rừng gỗ. Rừng trà ngày ấy chiều rộng chỉ chừng 1 km nhưng trải dài đến hàng chục km, có đến hàng ngàn, hàng vạn cây trà.
Nhưng theo thời gian, cây trà shan tuyết vắng bóng dần. Ông Sùng A Lứ nhớ lại có thời điểm, diện tích cây thuốc phiện ở đây lên đến 500 ha. Người dân lúc đó chỉ thấy cái lợi từ cây hoa anh túc nên đua nhau chặt phá cây trà không tiếc tay. Có nhiều cây đến vài người ôm cũng bị chặt phăng. Sau này, cơ quan định canh - định cư khôi phục cây trà shan tuyết ở Pà Cò theo kiểu trồng rừng phòng hộ được 130 ha, trồng tập trung cỡ 10 ha nhưng rồi cũng để trà bị cỏ mọc lấn lướt, mùa khô bị trâu, bò phá hoại. Lại nữa, đầu ra không có nên những nhà trồng trà không buồn thu hái mà có thì cũng chỉ để uống trong gia đình.
Cựu binh Đỗ Minh Hòa (giữa), Giám đốc Công ty Phương Huyền, trong vườn ươm cây trà shan tuyết
Cây trà shan tuyết góp phần thay đổi diện mạo các xã vùng cao tỉnh Hòa Bình Ảnh: Nguyễn Việt Hà
Đánh thức đất nghèo
Những tưởng cây trà Pà Cò đang dần chìm vào quên lãng thì may thay, một anh bộ đội Cụ Hồ xuất hiện, âm thầm ươm lại mầm xanh cho nơi đây. Đó là cựu chiến binh Đỗ Minh Hòa - SN 1955; quê huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Nhập ngũ năm 1972, lúc mới 17 tuổi, tân binh Đỗ Minh Hòa nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 21, Trung đoàn 12, Quân khu 3; sau đó chuyển lên công tác tại Lực lượng Vũ trang tỉnh Hòa Bình. Một thời gian sau, Đỗ Minh Hòa nhận nhiệm vụ huấn luyện đào tạo cán bộ cấp phân đội ở huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1987, lúc là trung úy, chính trị viên, do bệnh tật nên ông Hòa xin xuất ngũ.
Trở lại Hòa Bình với chứng nhận bệnh binh (mất 63% sức khỏe), ông Hòa đương đầu với nhiều khó khăn. Năm 1989, vợ chồng ông quyết định thuê sân kho của địa phương vừa để trồng rau ăn hằng ngày vừa cải tạo làm vườn ươm cây giống. Trong những chuyến đưa cây giống từ vườn ươm đến từng bản làng xa xôi, ông Hòa được dân bản mời thưởng thức trà shan tuyết. Ấn tượng với loại thức uống tinh anh, trong đầu ông lóe lên ý tưởng mang hương trà đến mọi miền đất nước, tạo ra một thương hiệu riêng cho vùng núi nghèo tỉnh Hòa Bình. Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền (Công ty Phương Huyền) do ông thành lập ra đời từ ý tưởng đó.
Thấy rừng trà shan tuyết cổ thụ ở xã Pà Cò và Hang Kia của huyện Mai Châu bị bỏ hoang, ông Hòa đã mạnh dạn đầu tư nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gien. Chỉ trong thời gian ngắn, công ty của ông phối hợp với Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Hòa Bình thống kê được 1.500 cây trà shan tuyết có tuổi từ 200-300 năm, xếp vào diện quy hoạch để bảo tồn.
Trồng cây trà là mô hình rất lạ lẫm với bà con người H’Mông ở đây. Thế nên, ông Hòa phải đến tận nhà vận động dân bản tham gia mô hình. Tiếp đó, ông đầu tư hơn 1 tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc để chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Năm 2005, giống trà shan tuyết do ông lai tạo đầu tiên được trồng xuống đất Pà Cò. Sức sống mới đã nảy mầm và bám rễ nơi vùng đồng bào dân tộc miền núi nghèo tỉnh Hòa Bình.
Cho đến nay, sau nhiều năm bền bỉ thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi cùng liên kết triển khai dự án giảm nghèo với tỉnh Hòa Bình, vùng trà nguyên liệu nhân rộng trên diện tích hơn 400 ha tại các xã Trung Thành, Yên Hòa (Đà Bắc), Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Ngổ Luông (huyện Tân Lạc). Trong đó, nhiều diện tích trà hơn 3 năm tuổi đã bắt đầu thu hoạch, chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng 40 năm. Chính từ chuỗi liên kết này, Công ty Phương Huyền đã đồng hành với hàng ngàn hộ nghèo người dân tộc Mường, Tày, H’Mông giảm nghèo bền vững.
Cây anh túc giờ đã bị đẩy lùi, nhường sức sống mới cho loại cây vốn thân thuộc bao đời nay của dân. Ông Sòng Văn Phòng (người H’Mông; ngụ bản Hang Kia, xã Hang Kia) hồ hởi: "Ngày trước, cái đói, cái nghèo đeo bám gia đình, còn giờ thu nhập bình quân cũng được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đã xây được nhà, con cái được đi học, sắm được nhiều đồ đạc như xe máy, tivi, tủ lạnh…".
Hạnh phúc vì giúp bà con vùng cao thoát nghèo
Sau nhiều năm đầu tư hàng tỉ đồng, Công ty Phương Huyền đã xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất và chế biến đồng bộ, hiện đại; đăng ký thương hiệu trà shan tuyết Pà Cò. Hiện nay, mỗi năm Công ty Phương Huyền tiêu thụ gần 300 tấn trà búp tươi với các sản phẩm như shan tuyết Pà Cò - Mai Châu, shan tuyết Đà Bắc, shan tuyết Mai Đà... Ngoài tiêu thụ trong nước, sản lượng trà thô khoảng 50-60 tấn được công ty xuất sang các nước như Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia. Cựu binh Đỗ Minh Hòa bày tỏ: "Tôi thực sự hạnh phúc khi góp một phần công sức thay đổi vùng quê nghèo, giúp bà con vùng cao thoát nghèo. Những rừng trà, vườn trà của bà con thôn bản vùng cao giờ còn là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến Hòa Bình" .
Bình luận (0)