Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Trần Thị Tuyết Hồng cho biết HĐND thành phố sẽ tổ chức kỳ họp thứ 8 (kỳ họp thường lệ cuối năm) để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố năm 2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa năm 2023.
Xóa quy hoạch treo, đẩy nhanh các dự án
Trước thềm kỳ họp, cử tri TP HCM đã gửi gắm tâm tư, nguyện vọng lên đại biểu HĐND thành phố. Trong đó có rất nhiều ý kiến liên quan đến quy hoạch treo, dự án chậm triển khai. Cử tri huyện Bình Chánh đề nghị UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo giải quyết dự án Sing - Việt kéo dài hơn 25 năm. Cử tri huyện Hóc Môn cũng phản ánh Khu Công nghiệp DIC rộng khoảng 380 ha tại xã Xuân Thới Thượng được quy hoạch từ năm 2000 đến nay vẫn chưa triển khai, đề nghị UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo.
Ngoài ra, cử tri các quận, huyện, TP Thủ Đức nêu hàng loạt dự án chậm triển khai khác mà chính quyền thành phố cần gấp rút tháo gỡ. Đó là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đã thi công 10 năm nhưng đang ngưng thi công; tình trạng ngập tại các tuyến đường vẫn còn tiếp diễn nhiều năm qua; dự án công viên nước tại Cầu Gò Dưa (mặt tiền đường Phạm Văn Đồng) đã kéo dài 10 năm chưa khởi công; tiếp tục thi công nhánh rẽ nối với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (cây số Km13) với Vành đai 4 đã ngừng thi công 10 năm; cầu Long Đại (phường Long Phước, TP Thủ Đức) đã hơn 10 năm chưa thực hiện xong; dự án Suối Tiên kéo dài từ năm 2003 đến nay chưa giải quyết dứt điểm, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, không có quy hoạch, không có chỗ thoát nước, đường Suối ngập trên 1 m)…
Song song đó, cử tri TP HCM kiến nghị có giải pháp giải quyết tình trạng các quy hoạch trên địa bàn thành phố hơn 20 năm chưa thực hiện; xem xét xóa quy hoạch lộ giới tuyến đường Điện Biên Phủ ở Bình Thạnh; xóa bỏ quy hoạch Dự án Rạch Ụ Cây phường 10, 11 (quận 8); quy hoạch dự án đường Hoàng Bật Đạt, phường 15 đã 20 năm; quy hoạch tại khu phố 5, phường 10 đã 14 năm ở quận Tân Bình.
Đại biểu HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp xúc cử tri quận 4 trước kỳ họp thứ 8
Tránh lãng phí đất đai
Ở lĩnh vực giao thông - đất đai, cử tri TP HCM cũng có nhiều ý kiến sát sườn với tình hình thực tế. Cử tri kiến nghị thành phố quan tâm đầu tư bến bãi, vận tải hành khách công cộng, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là tại khu vực trung tâm.
Bên cạnh đó, có phương án sử dụng Bến xe Miền Đông hiệu quả, tránh để lãng phí; xem lại việc cấp phép các trạm trung chuyển đối với Bến xe Hùng Hiếu đưa đón khách từ Tiền Giang - TP HCM và ngược lại trên tuyến đường An Dương Vương. Hiện nay, địa điểm này trở thành bến xe, gây mất an ninh trật tự; đồng thời có biện pháp quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, tránh tình trạng gây kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.
Riêng cử tri TP Thủ Đức kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư trạm thu phí xa lộ Hà Nội miễn giảm 100% phí qua trạm cho cư dân phường Phước Long A, Phước Long B, Phước Bình và Trường Thọ trong phạm vi bán kính 10 km.
Cử tri cũng đề nghị thành phố phối hợp với đoàn công tác Bộ Xây dựng tháo gỡ các vướng mắc liên quan các dự án nhà ở xã hội; quan tâm đến nhu cầu của người dân, tránh tình trạng xây xong bỏ trống; điều chỉnh diện tích nhà ở hợp lý, không quá lớn và có giải pháp hỗ trợ vốn lãi suất cho người có thu nhập; có giải pháp quản lý đối với chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện xây dựng các dự án nhà ở xã hội bảo đảm đúng tiến độ. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố thường xuyên kiểm tra vệ sinh thực phẩm được bán các chợ đầu mối, các trường học và các cơ sở kinh doanh ăn uống, các siêu thị; có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (tránh trường hợp đáng tiếc như ở Trường iSchool - Khánh Hòa)… Mặt khác, thành phố cần quan tâm chế độ trợ cấp mất việc, thôi việc và đời sống của người lao động; tăng cường kiểm tra, theo sát diễn biến tình hình công nhân để có những chính sách an sinh kịp thời hỗ trợ người lao động khi bị mất việc.
Giám sát việc tổ chức chính quyền đô thị
Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Trần Thị Tuyết Hồng cho hay trong ngày làm việc thứ nhất, kỳ họp sẽ nghe ý kiến chỉ đạo của ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố. Đại biểu cũng nghe và thảo luận về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; kế hoạch đầu tư công...
Ngày làm việc thứ 2, đại biểu tiếp tục họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; các tờ trình; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các sở, ban, ngành, UBND thành phố. Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp tiến hành giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; thông qua các dự thảo nghị quyết về các tờ trình của UBND thành phố. Buổi chiều ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thực hiện công tác nhân sự của UBND thành phố.
Bình luận (0)