Ngày 18-4, lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) các tỉnh Tây Nguyên cho biết đang triển khai quyết liệt "Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030".
Nâng diện tích lên 2,72 triệu ha
Theo quyết định, tổng vốn để thực hiện đề án là 28.554 tỉ đồng. Nhiệm vụ được Thủ tướng giao là bảo vệ hơn 2.246.000 ha rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, giảm căn bản diện tích rừng bị thiệt hại; đồng thời xử lý dứt điểm đối với gần 280.000 ha rừng và đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, sắp xếp đổi mới 55 công ty lâm nghiệp trên địa bàn.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,5%. Để làm được điều đó, đề án đưa ra chỉ tiêu mỗi năm trồng mới gần 83.000 ha rừng. Trong đó, mỗi năm trồng mới 470 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất.
Rừng ở Tây Nguyên vẫn đang bị tàn phá Ảnh: CAO NGUYÊN
Theo TS Lã Nguyên Khang, công tác tại Viện Sinh thái rừng và môi trường, để quản lý rừng bền vững ở khu vực Tây Nguyên, cần có giải pháp tổng thể cho việc phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp. TS Khang cho rằng tình trạng phá rừng, mất rừng ở Tây Nguyên trong thời gian dài đã làm diện tích, chất lượng rừng suy giảm một cách nghiêm trọng. "Thực tiễn nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy có tới trên 52.000 ha đất lâm nghiệp bị xâm canh để trồng cây nông nghiệp, nếu thu hồi diện tích này để trồng rừng thì rất khó. Vì vậy, giải pháp tổng thể cho việc phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp là trồng xen cây lâm nghiệp nhằm vừa bảo đảm độ che phủ rừng khi cây lâm nghiệp đến giai đoạn trưởng thành vừa duy trì sinh kế cho người dân" - ông Khang đề xuất.
Ông Lê Quang Nghiệp, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết đề án trồng xen cây lâm nghiệp phục hồi rừng ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Những hộ này được hỗ trợ kinh phí mua cây giống với mức 70% cho cây sao đen, 100% cây muồng đen. Ngoài ra, các hộ này được ký hợp đồng giao, nhận đất với đơn vị chủ rừng sau 4 năm trồng đạt mật độ theo quy định.
Giúp dân làm giàu
Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, để bảo vệ và phát triển rừng bền vững thì phải xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng.
Tỉnh Kon Tum vừa phê duyệt phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ rừng bền vững kết hợp với kinh doanh cảnh quan du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng cho dân với diện tích hơn 92.900 ha. Với phương án này, tỉnh hy vọng rừng sẽ được bảo vệ tốt, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Người dân được giao rừng, cho thuê rừng sẽ kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng; kinh doanh cảnh quan du lịch để tạo ra thu nhập, tiến tới làm giàu từ nghề rừng.
Ông Trương Quốc Dụng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho rằng để giao đất rừng cho người dân, cộng đồng thì phải dựa vào nhu cầu thực sự và giao những khu vực có vai trò gắn kết với cộng đồng như rừng bảo vệ nguồn nước, gắn với văn hóa, tâm linh, tập quán của đồng bào. Trước khi giao rừng cho người dân quản lý cần xem xét năng lực, kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng của họ.
"Bảo đảm cho người dân gần rừng, liền rừng sống được bằng nghề rừng thì lúc đó không chỉ giữ được mà rừng cũng ngày càng phát triển" - ông Dụng khẳng định và đề nghị có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, từ nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phục hồi rừng cảnh quan gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng lưu vực sông Sêrêpốk (tỉnh Đắk Lắk), TS Cao Thị Lý, Trường Đại học Tây Nguyên, nhìn nhận hiện có thực trạng rừng giao khoán cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đang bị khai thác gỗ và săn bắn động vật trái phép, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Có việc này vì người dân chưa quan tâm đến trồng rừng, phục hồi rừng do rừng chưa đem lại thu nhập.
"Theo kết quả điều tra, nguồn thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các hộ dân nhận khoán chỉ chiếm 5%-7% tổng thu nhập. Hưởng lợi từ rừng và đất lâm nghiệp quá ít nên chưa thể thu hút người dân quan tâm bảo vệ rừng, gắn sinh kế với nghề rừng mà vì cái lợi trước mắt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sang nhượng" - TS Lý dẫn chứng và cho rằng cần kiểm soát dân di cư; hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng nhận rừng trong khu vực bằng cách được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Cần thay đổi quan niệm
Theo TS Trần Văn Con, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, trong 10 triệu ha rừng tự nhiên của Việt Nam, chỉ có khoảng 14% là rừng giàu và trung bình, còn lại là rừng thứ sinh và rừng non phục hồi có trữ lượng nghèo và nghèo kiệt. Để hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững, cần thay đổi quan niệm về rừng, nghề rừng; nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, chức năng của rừng. "Lâu nay chúng ta quan niệm rừng là một kho lâm sản, chỉ để cung cấp gỗ và lâm sản thuần túy. Thế nhưng, rừng còn rất nhiều giá trị khác như bảo vệ môi trường, nguồn nước, không khí, đa dạng sinh học, chức năng du lịch, nghỉ dưỡng. Các giá trị này lâu nay vẫn chưa được quan tâm" - TS Trần Văn Con nói.
Bình luận (0)