Một tài xế cho hay "đói" khách là tình trạng chung của các tuyến xe buýt trợ giá Đà Nẵng dù các tuyến đều có hành trình đi qua những khu dân cư đông đúc, khu vực trung tâm thành phố. "Xe chỉ đông khi đi ngang qua các điểm trường vào giờ tan tầm. Xe buýt chở học sinh, sinh viên là chủ yếu. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 đến nay, đối tượng này cũng vắng dần, không hiểu vì sao. Như sáng nay, xe chỉ được 5 khách, vậy là tiền vé chưa đủ tiền xăng" - tài xế băn khoăn.
Theo tìm hiểu, từ năm 2016 đến cuối năm 2021, Đà Nẵng có 11 tuyến xe buýt trợ giá với hơn 100 đầu xe hoạt động. Đầu năm 2022, hợp đồng 5 tuyến xe buýt đầu tiên giữa Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 hết hạn. UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố chuẩn bị công tác đấu thầu lại 5 tuyến xe buýt này. Dự kiến việc đấu thầu thực hiện vào tháng 11-2022.
Dù đã cắt giảm xuống chỉ còn 4 tuyến hoạt động nhưng xe buýt trợ giá vẫn không thoát khỏi cảnh vắng khách
Theo ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng (DATRAMAC), trước đây hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng "ghi điểm" bởi sự hiện đại, sạch sẽ, văn minh. Mỗi chuyến gần như hết công suất ghế lẫn chỗ đứng. Tuy nhiên, lượng khách giảm đột ngột từ sau dịch Covid-19. Nguyên nhân trực tiếp được cho là do dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen, hành vi của hành khách.
Lý giải chuyện không chọn xe buýt nội thành, chị Trần Thị Ly Ly (trú quận Hải Châu) cho rằng việc điều chỉnh thời gian hoạt động mỗi chuyến kéo dài ra như hiện nay rất bất tiện cho người dân có nhu cầu đi xe buýt. "Cụ thể, mỗi chuyến xe cách nhau đến 30 phút là quá mất thời gian để người dân chờ xe. Con tôi trước đây đều đi học bằng xe buýt nhưng giờ thời gian chờ mỗi chuyến quá lâu nên tôi chọn chở con đi học bằng xe máy cho thuận tiện. Cần điều chỉnh lại giờ chạy xe 10 phút/chuyến như trước đây để đi lại thuận lợi hơn" - chị Ly hiến kế.
Ông Cường cho hay trong năm 2022, DATRAMAC đặt ra các giải pháp về cải thiện hạ tầng, công nghệ. Trong đó, hướng đến việc sắp xếp lại lộ trình và bố trí các điểm dừng, nhà chờ hợp lý, thuận lợi để người dân dễ tiếp cận xe buýt. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt để thay dần xe cá nhân.
"Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thí điểm việc cho thuê xe đạp và bố trí một số điểm cho thuê gần các bến, điểm dừng xe buýt để hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng" - ông Cường cho biết.
Bình luận (0)