Họp báo về một vấn đề quan trọng mà người dân rất quan tâm nhưng diễn ra quá trễ so với thời gian xảy ra hiện tượng mù quang hóa, lại không có lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM khiến nhiều phóng viên thắc mắc.
Đánh giá về chất lượng không khí thời gian qua, ông Cao Tung Sơn cho rằng kém so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu đo được từ các trạm quan trắc cho thấy nồng độ bụi mịn thường vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Nguyên nhân gây ô nhiễm, theo ông Sơn, chủ yếu từ 3 loại nguồn thải: Hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.
Thừa nhận việc cảnh báo ô nhiễm chậm và chưa thể dự báo sớm đến người dân, ông Sơn mong người dân chia sẻ bởi hiện nay, công tác lấy mẫu, phân tích mẫu tại các trạm quan trắc thực hiện thủ công, gián đoạn và phải mất một thời gian mới cho ra kết quả.
Chưa kể, hiện tượng mù quang hóa năm 2019 không diễn ra theo quy luật mà diễn ra sớm hơn gần một tháng khiến cơ quan chức năng bị động.
Chất lượng không khí TP HCM kém do nồng độ bụi vượt chuẩn cho phép. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Để kịp thời đưa thông tin cảnh báo đến người dân cũng như giúp người dân dễ dàng theo dõi chất lượng không khí tại TP HCM, ông Sơn cho biết Sở TN-MT đang đẩy nhanh tiến độ kêu gọi xã hội hóa xây dựng 18 trạm quan trắc cố định và 1 trạm di động; đồng thời nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc, xây dựng phần mềm chuyên dụng.
TP HCM đã xây dựng đề án tổng thể quản lý về chất lượng môi trường, trong đó việc xây dựng các trạm quan trắc gồm quan trắc nguồn nước, không khí, nước ngầm và lún. Dự kiến cuối năm nay sẽ thông qua đề án, tiến tới năm 2020 triển khai thực hiện.
Trong đó, việc phát triển mạng lưới quan trắc sẽ phân thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Thời gian kéo dài do vừa làm vừa rút kinh nghiệm và huy động vốn xã hội hóa.
Bình luận (0)