Sáng 8-12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, các "tư lệnh ngành", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã giải đáp một số vấn đề mà cử tri và các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn như tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ, chợ Bà Rén đầu tư tiền tỉ chậm đưa vào sử dụng, tình trạng sạt lở đất, phá rừng, công tác cải cách hành chính, thi tuyển viên chức…
Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng, trả lời các ý kiến tại kỳ họp
Về ý kiến cho rằng nếu như trước đây nước từ Tam Kỳ chảy ra Thăng Bình thì nay nước từ Thăng Bình lại chảy ngược vào Tam Kỳ dẫn đến tình trạng đô thị Tam Kỳ liên tục bị ngập lụt chỉ sau những trận mưa lớn, giải pháp khắc phục ra sao, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam, cho biết hệ thống thoát nước đô thị Tam Kỳ hiện đã được đầu tư đồng bộ. Toàn TP hiện có 5 cửa xả thoát nước.
Đường phố Tam Kỳ thường xuyên ngập nặng sau những trận mưa lớn
Dù vậy, thời gian qua, TP Tam Kỳ thường xuyên ngập lũ, đặc biệt là vào năm 2018. Sau trận lũ lớn đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng xây dựng đề án nghiên cứu, đánh giá về tình trạng này. Hiện đề tài này đã được trình bày, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở, ngành để triển khai đưa vào ứng dụng thực tiễn. Ông Phú cho biết đề án này thực hiện việc mô phỏng, dự báo ngập lụt, tính toán, đề xuất giải pháp xử lý, xây dựng hành lang thoát lũ cho TP Tam Kỳ và các vùng lân cận. Từ đó, sẽ giải được bài toán ngập lụt ở đô thị này. Dù vậy, ông Nguyễn Phú không đưa ra mốc thời gian khi nào Tam Kỳ sẽ chấm dứt tình trạng cứ mưa lớn là bị ngập.
Về nguyên nhân dẫn đến ngập lụt ở các đô thị, ông Phú cho rằng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa, đất lưu trữ nước hạn chế. Ngoài ra, các đô thị nằm ở hạ lưu sông, nước thoát ra biển chậm…
Rừng ở Quảng Nam bị phá do kiểm lâm vừa thiếu vừa yếu
Trước câu hỏi cây keo có phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở núi cướp đi sinh mạng hàng chục người thời gian qua hay không, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần có nghiên cứu khoa học, không thể trả lời sớm ngay tức khắc được. Theo ông Tích, vừa qua đã có nhiều ý kiến nói về nguyên nhân sạt lở nhưng nguyên nhân chính là do cường độ mưa lớn. "Năm nay những trận mưa quá lớn. Những khu sạt lở vừa rồi, nói trồng keo nguyên nhân chính thì cần xem lại, ở khu vực đó không trồng keo" – ông Tích nói.
Về tình trạng phá rừng, ông Tích dẫn ra nhiều nguyên nhân trong đó cho rằng một phần do lực lượng kiểm lâm vừa thiếu, yếu về sức khỏe, chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu…
Bình luận (0)