Dự buổi họp mặt có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo trung ương, địa phương và đại diện các thế hệ học sinh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Ban Liên lạc Học sinh miền Nam
Đại diện Ban Liên lạc Học sinh miền Nam, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết từ năm 1954-1975, có hơn 32.000 thiếu niên - học sinh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc. "Bất kỳ ở đâu và trong hoàn cảnh nào, các Trường Học sinh miền Nam đều nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của Chính phủ, Bộ Giáo dục, Khu Giáo dục học sinh miền Nam mà còn của chính quyền và bà con các địa phương nơi trường trú đóng. Giáo viên, cán bộ, công nhân viên giảng dạy luôn coi học sinh như con em ruột thịt. Ngoài tình cảm thầy trò thông thường, còn có tình cảm rất đặc biệt: Vì miền Nam thân yêu" - nguyên Phó Thủ tướng khẳng định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục - đào tạo cách mạng nước ta. "Thành tựu và bài học từ mô hình Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc gợi mở cho chúng ta quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Nước ta muốn phát triển được phải thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao" - Chủ tịch nước đúc kết.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn các thế hệ học sinh miền Nam sống gương mẫu ở cơ quan, địa phương, là tấm gương đoàn kết dân tộc, đoàn kết Nam - Bắc; đồng thời tiếp tục giáo dục con cháu học tập, trưởng thành trong cuộc cách mạng công nghiệp, hội nhập quốc tế sâu rộng...
Dịp này, đã có gần 70 tỉ đồng của các địa phương, tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng hạng mục tượng đài "Con tàu Tập kết" và Bảo tàng Tập kết tại Khu Du lịch Văn hóa - Lịch sử ở TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa - điểm tiếp đón những chuyến tàu tập kết đầu tiên vào các năm 1954-1955.
Bình luận (0)