Nhiều người dân ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, khi di chuyển trên đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Phú Xuân lên cầu Ga tỏ ra ngạc nhiên khi vỉa hè 2 bên con đường này đang được làm mới bằng việc thay bó vỉa, lát vỉa hè bằng đá granite (đá tự nhiên) sau khi vỉa hè cũ đã bị cào bóc, hạ độ cao.
Đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân đã thảm nhựa, vỉa hèsẽ được phá dỡ làm mới trong những ngày tới
Những người này ngạc nhiên bởi vỉa hè 2 bên đoạn đường này vẫn còn khả năng sử dụng rất tốt, chưa đến độ xuống cấp nghiêm trọng để mất thẩm mỹ. "Nhiều tuyến đường ở TP Huế vỉa hè còn xuống cấp nghiêm trọng hơn nhưng chưa thấy làm mới" – một người dân thắc mắc. Trước khi bị cào bóc, vỉa hè đoạn đường này được lát bằng gạch terrazzo, bó vỉa bằng đá chẻ.
Đoạn gần nhà hàng Festival đã được gỡ gạch bó vỉa cây xanh để phá bỏ, làm mới
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế, xác nhận rằng đây là công trình thảm nhựa lại toàn tuyến đường Lê Lợi với chiều dày 7 cm, dài hơn 2 km; đồng bộ, hoàn trả lại vỉa hè, cây xanh do đơn vị này làm chủ đầu tư. Kinh phí 25 tỉ đồng từ vốn dự phòng hợp đồng các gói thầu của dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế. Đây là dự án có nguồn vốn vay từ Nhật Bản.
Vỉa hè đoạn trước Sở Khoa học và Công nghệ sắp bị cào bốc
Theo ông Tuấn Anh, đối với vỉa hè thì công trình này chỉ triển khai ở đoạn từ cầu Trường Tiền lên đến đầu cầu Ga dài khoảng 1,5 km theo phương án cào bóc vỉa hè cũ để hạ độ cao, thay mới bó vỉa cũng như lát bằng đá granite, bo ô cây bằng đá chẻ, trồng hoa, cây xanh. Đối với đoạn còn lại từ cầu Trường Tiền về Đập Đá, dài chừng 500 m do cách đây vài năm đã chỉnh trang, làm mới nên giữ nguyên.
Một địa điểm bị đổ thải trông rất nhếch nhác
Hiện, công trình này đang tập trung thi công hoàn tất các hạng mục đoạn từ cầu Phú Xuân lên cầu Ga. Trong những ngày tới sẽ tiến hành cào bốc để thi công đoạn từ cầu Phú Xuân xuống cầu Trường Tiền. Trên đoạn vỉa hè này, theo ghi nhận của chúng tôi thì gạch lát vẫn còn mới, bó vỉa vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, nhiều ô trồng cây xanh do lãng quên nên cỏ mọc um tùm, hoặc đơn vị thi công thảm mặt đường đổ thải, gây tình trạng nhếch nhác.
Đoạn gần giao cắt với đường Phạm Hồng Thái
Ông Tuấn Anh nói rằng công trình triển khai theo yêu cầu của đồ án thiết kế đô thị TP Huế trong việc cải tạo mặt đường, lề đường để xây dựng thành tuyến đường kiểu mẫu TP Huế.
Được biết, 2 bên vỉa hè đường Lê Lợi cách đây chừng 2 năm, gói thầu lưu vực 6, 7 thuộc dự án Cải thiện môi trường nước cũng thi công hệ thống cống ngầm nằm phía dưới. Sau khi thi công, các đơn vị cũng đã hoàn trả mặt bằng, sửa chữa và lát lại gạch tezzarro khu vực hư hỏng hoặc phá dỡ.
Việc xây mới vỉa hè được giải thích là do đã làm quá lâu, bó vỉa cao.
Trả lời câu hỏi liệu việc cào bóc, làm mới vỉa hè đoạn đường này liệu có lãng phí, ông Tuấn Anh nói rằng vỉa hè ở đây đã làm khoảng 20 năm nên bất hợp lý, xuống cấp, nhiều đoạn rễ cây đẩy các bó vỉa nhô ra đường hoặc "đội" vỉa hè lên.
Vỉa hè đoạn xung quanh Trường THPT Hai Bà Trưng trước khi phá bỏ làm lại. Ảnh PĐ
Vỉa hè đường Lê Lợi trước khi bị phá. Ảnh. PĐ
Mặt vỉa hè đường Lê Lợi, đoạn đối diện Trường THPT Hai Bà Trưng trước khi làm mới. Ảnh: PĐ
Vỉa hè đường Lê Lợi, đoạn Trường THPT Hai Bà Trưng sau khi làm mới
"Nhà thầu thi công cống chỉ hoàn trả phần nhỏ diện tích vỉa hè. Có thể nó còn tính sử dụng nhưng vỉa hè cũ cao hơn mặt đường đến 30 cm nên hiện không còn phù hợp với quy chuẩn nữa. Thiết kế mới thì vỉa hè chỉ cao 12,5 cm so với mặt đường thôi và chúng tôi triển khai đúng như vậy" – ông Tuấn Anh giải thích thêm.
Vỉa hè mới được làm bằng đá granite, thiết kế hoa
Đoạn vỉa hè này sắp tới sẽ bị phá đi để làm mới vì đã xuống cấp và thiết kế lạc hậu. Nhiều người cho rằng nên sửa chữa những chỗ hư hỏng, thiết kế lại bó cây xanh thì đỡ kinh phí.
Đoạn vỉa hè sắp bị phá dỡ để làm mới
Đoạn vỉa hè trước trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi làm mới
Bình luận (0)