Theo lý giải của nhà sản xuất, mỗi quốc gia có quy định về hàm lượng các chất có trong thực phẩm đóng gói khác nhau. Hàm lượng EO ở lô mì trên vẫn được công ty áp dụng sản xuất để tiêu thụ trong nước.
Trước đó, nhiều lô mì gói và thực phẩm khác cũng bị một số quốc gia như Mỹ, Đức, Ba Lan, Malta từ chối vì lý do tương tự.
Câu chuyện này liệu có đơn giản chỉ là quy định khác nhau về hàm lượng hóa chất? Phía sau quy định về các chất cấm trong thực phẩm luôn là vấn đề an toàn thực phẩm và biện pháp phòng vệ đối với sức khỏe của người tiêu dùng ở các quốc gia. Một khi đã cấm và quy định cụ thể hàm lượng, điều đó có nghĩa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nước sở tại đã có đầy đủ nghiên cứu và cơ sở khoa học chứng minh nó nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Các nhà sản xuất cũng không thể tự trấn an rằng những quy định trên là biện pháp phòng vệ thương mại mà tìm cơ hội vượt qua lằn ranh kiểm soát.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học châu Âu đã khẳng định EO sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng cao sẽ gây ung thư đối với người. Tiếp đó, các nước châu Âu đưa EO vào danh mục kiểm soát gắt gao. Theo quy định năm 2015, các ngưỡng dư lượng EO cho phép trong thực phẩm của khối EU là: 0,1 mg/kg đối với chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ; 0,05 mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02 mg/kg đối với trái cây, rau, nấm và các loại khác; 0,02 mg/kg đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; 0,05 mg/kg đối với các sản phẩm trồng trọt…
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam chưa quy định EO và ngưỡng giới hạn cho phép trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cơ quan quản lý lĩnh vực này là Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng quy định mức ngưỡng giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Đáng lo ngại, hiện EO đang được sử dụng trong rất nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, thực phẩm, đóng gói trái cây… Sự chậm trễ về những quy định sử dụng EO cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang mạo hiểm với sức khỏe vì không được cảnh báo trước.
Vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm là cấp bách. Hậu quả của việc sử dụng thực phẩm mất an toàn rất lớn. Trong các kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia, như tam nông, tam ngư, sản xuất thực phẩm, các nhà lãnh đạo luôn nhấn mạnh phải hướng tới một nền sản xuất sạch, bảo đảm an toàn cho con người và môi sinh. Sản xuất sạch, trước tiên bảo vệ cho chính người dân trong nước. Sau đó là hướng đến nền kinh tế sạch để có thể bắt tay với các nước tiên tiến, thực hiện mục tiêu mở rộng mối liên kết kinh tế - xã hội không biên giới.
Bình luận (0)