Mấy cây na trong vườn nhà tôi thuộc giống na dai, cũng chừng trên 10 năm. Nhớ hồi bố có dịp ra Bắc Giang, được người bạn thân tặng cả chục cây na giống làm quà. Bố đem trồng ở vườn nhà 3 cây, còn lại tặng cho cô, dì, chú, bác mỗi nhà một cây. Đã mấy mùa quả đến rồi đi; mùa nào, cây cũng cho quả sai lúc lỉu.
Bố bảo thổ nhưỡng quê tôi hợp với giống na dai này. Bởi vậy, cây luôn xanh tốt, rất ít sâu bệnh. Đã thế, na chẳng những cho quả mà còn cho cả bóng mát. Trước hiên nhà, bên bờ giếng và nơi góc vườn, những vòm na vẫn xanh mướt, mùa nối mùa tỏa bóng. Từ những búp na non, hoa na trắng bung nở thơm lừng kết thành những quả na be bé rồi căng tròn, mở mắt, tỏa hương thơm ngọt.
Quả na có 2 loại: na bở và na dai. Nếu na bở mọng nước, vỏ khó bóc, múi na không dai, thời gian bảo quản ngắn thì na dai lại ít mọng nước, dễ bóc vỏ, múi dai ngọt, thịt trắng, ít hạt, lại bảo quản được lâu.
So với những loại quả khác, na là thức quà lành, ngọt thanh, thơm mát, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao lại rất dễ ăn. Mẹ bảo có thể ăn na thay cơm mà không say hay bị ngộ độc như một số loại quả khác.
Quả na (trái mãng cầu) Ảnh: Tư liệu
Theo kết quả nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng trong quả na có 72% glucoza, 14,52% sacaroza, 1,73% tinh bột, 2,7% protit; ngoài ra, còn có một số vitamin và muối khoáng, vi lượng cần thiết khác.
Theo y học cổ truyền, quả na có vị ngọt, tính bình nên tác dụng hạ khí tiêu đàm, lợi ngũ tạng, chữa chứng lỵ, tiểu đục, đái tháo nhạt... Loại quả này rất tốt cho người mới ốm dậy, phụ nữ sau khi sinh và người lớn tuổi.
Cứ bước sang tháng 8, khi tiếng chim trong vườn rộn ràng hoan ca, khi những trận mưa rào bất chợt đổ xuống xua tan đi cái nắng gay gắt cuối hè, thể nào anh em tôi cũng thay nhau ra ngó nghiêng, thăm thú chờ na chín. Quả na lạ lắm. Nhiều khi sáng sớm ra thăm vườn thấy còn xanh và cứng, mùi còn hăng hăng; vậy mà chiều đến, quả đã mềm, thơm ngọt rồi. Nhiều khi lơ đãng, chậm trễ, kiểu gì quả chín cũng trở thành món ngon cho lũ kiến, lũ chim trong vườn.
Mùa na chín, công việc thu hoạch quả là cả một nghệ thuật. Nếu không cẩn thận, nhẹ nhàng, na sẽ bị trầy nứt, nhũn vỏ và mất ngon. Những quả to và ngon nhất, mẹ thường chọn dâng cúng ông bà rồi sau đó hạ xuống cho chúng tôi ăn. Na ngon nhất là khi quả vẫn còn tươi, cuống vẫn bám ở thịt quả, không bị thâm đen, nứt nẻ. Thế nên, mùa na nào anh em tôi cũng được ăn thỏa thích. Những ngày na chín rộ, mẹ gói ghém cẩn thận đem ra chợ bán, kiểu gì khi về, trong thúng cũng có miếng thịt hay con cá cải thiện bữa ăn cho cả nhà.
Hôm qua, mẹ điện lên phố bảo: "Mấy cây na ở nhà quả đang chín rộ, tranh thủ về mà ăn!". Mẹ vừa dứt lời, lòng tôi đã rưng rưng, háo hức…
Bình luận (0)