Sáng 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái ở xã Gia Lạc (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia buồn với thân nhân những người bị nạn tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình Ảnh: XUÂN TUYẾN
Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Sau chuyến khảo sát trên sông Hoàng Long, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Hiện nước sông dâng cao 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23 m).
Trước đó, trong đêm 11-10, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ký lệnh di dân một số xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn với tổng số hơn 3.000 hộ, khoảng hơn 200.000 người.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã phát lệnh "hộ đê toàn tuyến". Hiện 38 hồ, đập ở huyện Nho Quan đã tràn bờ, vùng núi có nguy cơ sạt lở đất cao. Đập Đức Long - Gia Tường (Nho Quan) cũng đã tính đến phương án xả tràn để hạ mức lũ trên sông Hoàng Long, tránh vỡ đê. Nếu xả tràn, người dân xã Đức Long, Gia Tường, Gia Thủy, Lạc Vân cũng phải sơ tán.
Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24 giờ, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn. Tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều bởi hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Đây là điều rất quan trọng bởi khi nước dâng 5-10 cm nữa là rất nguy hiểm. "Phải cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết" - Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng trong sáng 12-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) - nơi xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 12-10, vùi lấp 18 người dân sinh sống trong 4 ngôi nhà ở khu vực này.
Hàng trăm chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cùng các phương tiện máy móc đã được huy động để tìm kiếm nạn nhân. Đến cuối giờ chiều 12-10, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể của nạn nhân thứ 10.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp, nỗ lực cao nhất để nhanh chóng tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan và gia đình lo hậu sự chu đáo cho người đã mất. Ngoài ra, do hiện trường vụ sạt lở rất phức tạp, đất đá còn có khả năng sạt lở tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm các biện pháp an toàn cho lực lượng cứu nạn.
Đêm 11-10, đê sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Định, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua mức báo động 3, nước tràn qua mặt đê vào phía trong với chiều dài khoảng 2 km. Ngay trong đêm, hàng trăm hộ dân phía bên sông thuộc thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, đã vội vàng sơ tán người, đồ đạc đến nơi cao và an toàn do lo sợ vỡ đê sông Bưởi giống như năm 2007, nhấn chìm hàng ngàn hộ dân trong biển nước.
Tại Hà Nội, tuyến đê sông Bùi có nguy cơ bị vỡ nên phải xả tràn. Nhiều nhà dân đã bị ngập nặng tới mái.
Bão cấp 12 hướng vào miền Trung
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, tối 12-10, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông của Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Khanun.
Lúc 19 giờ 12-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc; 123,6 độ kinh Đông, cách đảo Luzon, Philippines khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo đến 19 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ Bắc; 118,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670 km về phía Đông Đông Bắc. Đến 19 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ vĩ Bắc; 115,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13.
V.DUẨN
80 người chết và mất tích
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết tính đến 17 giờ ngày 12-10, mưa lũ, sạt lở đất đã gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản ở các địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cụ thể, đã có ít nhất 38 người chết (Hòa Bình: 11, Thanh Hóa: 9, Nghệ An: 8, Sơn La: 5, Yên Bái: 4, Hà Nội: 1); 42 người mất tích (Hòa Bình: 21; Yên Bái: 14, Sơn La: 3, Thanh Hóa: 3, Quảng Trị: 1).
Mưa lũ cũng làm 235 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; gần 1.400 ngôi nhà bị hư hỏng nặng; hơn 17.000 nhà bị ngập, hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu bị thiệt hại... Hệ thống giao thông, đê điều, kênh mương bị thiệt hại rất nặng nề. có 34 đập đất, đập dâng, hồ đập nhỏ ở Nghệ An, Thanh Hóa bị sạt lở, hư hỏng; gần 28.000 m kênh mương; 2.300 m đê bị sạt, trôi, hư hỏng.
Bình luận (0)