Liên quan đến vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn (TP Hà Nội), theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, ngày 9-8, một số công trình ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) vẫn có các công nhân đang xây dựng bất chấp "lệnh cấm".
Cụm homestay xây dựng trên đất rừng tại khu vực hồ Ban Tiện vừa xảy ra sạt trượt "vùi lấp" nhiều ôtô. Ảnh: HỮU HƯNG
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết tháng 6-2023, huyện này đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 chủ tịch xã của huyện này cũng bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.
Theo ông Ngọc, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở xã Minh Phú và Minh Trí (2 điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng - PV). Huyện đã xử lý dứt điểm 124/187 trường hợp. Ngoài ra, xử lý được 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Sóc Sơn đã xử lý, cưỡng chế hơn 500 trường hợp vi phạm, trong đó năm 2022 hơn 300 trường hợp vi phạm, năm 2021 hơn 200 trường hợp.
Trước tình trạng rất nhiều công trình vi phạm những năm gần đây dù cơ quan chức năng đã có nhiều kết luận và nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, phóng viên đặt câu hỏi "liệu có tình trạng cán bộ huyện Sóc Sơn bảo kê cho việc xây dựng trên đất rừng hay không?". Ông Phạm Quang Ngọc khẳng định: "Cán bộ từ cấp xã đến huyện của Sóc Sơn không bao giờ có chuyện đó".
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận có trình trạng cấp xã "giấu" nhiều trường hợp vi phạm dẫn đến lãnh đạo cấp huyện không nắm hết được tình hình.
4 homestay gần hồ Ban Tiện (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) vừa được xây dựng, hoàn thiện từ năm 2021 lại đây nhưng chưa được xử lý. Ảnh: HỮU HƯNG
Trước đó, tháng 3-2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận về đất rừng Sóc Sơn, trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.
Sau khi có kết luận trên, tháng 9-2019, UBND huyện Sóc Sơn có báo cáo kiểm điểm về chính quyền và về đảng đối với cán bộ có liên quan vụ "xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn.
Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã kiểm điểm trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy 3 nhiệm kỳ từ 2005 đến 2020 và các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan. Trên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có thông báo về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết luận Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ 2006 đến 2019) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng đã có các quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Đồng thời, nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật Cảnh cáo.
Về mặt chính quyền, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Bình luận (0)