xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chấp nhận thiệt hại 1 - 2 tháng để xanh hóa vùng đỏ

Thế Dũng

Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Ngày 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp (DN), các hiệp hội DN và bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cần chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7-2021, cả nước có khoảng 840.000 DN. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

"Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7-2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Lãnh đạo một số hiệp hội DN và đại diện DN kiến nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, nhất là đối với các tỉnh, TP phía Nam. Về cơ chế, cần chính sách đặc thù hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỉ lệ bao phủ vắc-xin đối với ngư dân, các DN chế biến; hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có F0, F1, tránh tình trạng đóng cửa toàn bộ nhà máy.

Cộng đồng DN FDI mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vắc-xin; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực DN FDI được tiêm

vắc-xin; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các DN; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh...

Nhìn nhận đất nước đang ở giữa 2 "cuộc chiến" là cuộc chiến chống dịch để bảo vệ sinh mạng và cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này là tìm mọi cơ hội để nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh và luồng xanh, mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể.

"Nếu không mở cửa rộng khắp thì những vùng xanh, những cơ hội có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho DN có thể duy trì được sản xuất - kinh doanh" - ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

Chấp nhận thiệt hại 1 - 2 tháng để xanh hóa vùng đỏ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đai diện các hiệp hội, doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Không thêm các điều kiện làm ách tắc lưu thông

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc thực hiện mục tiêu kép là một chủ trương đúng đắn. Nếu không thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, không duy trì giao thương thì không chỉ mất thu nhập, khả năng chống chịu với dịch bệnh mà lớn hơn là mất thị trường. Kinh tế thế giới đang phục hồi rất nhanh, nếu chúng ta không làm được hoặc làm không khéo nhiệm vụ phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Những chính sách đã được ban hành cần được thực hiện một cách linh động, sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề lưu thông hàng hóa trên tinh thần hàng hóa nào cũng là thiết yếu, chỉ trừ hàng cấm; không đặt ra các điều kiện, yêu cầu khác biệt, gây ách tắc lưu thông.

Nhiều ý kiến từ các hiệp hội, DN cũng nhấn mạnh việc ách tắc giao thông tại một số tỉnh, thành phố miền Bắc, đặc biệt là ở Hải Phòng. Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết đã ký văn bản phê bình nghiêm khắc Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng vì không tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về lưu thông hàng hóa nên gây ách tắc giao thông.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Văn bản 1015 và Văn phòng Chính phủ có Văn bản 5187. Với 2 văn bản này thì hàng hóa lưu thông trên thị trường sẽ không bị cản trở và hàng hóa phục vụ xuất khẩu, thiết yếu cho đời sống người dân sẽ được cấp mã QR. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nhận trách nhiệm với các DN về tình trạng ùn tắc lưu thông ở một số nơi. Các nhóm công tác của bộ sẽ giải quyết ngay các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc của DN.

Vượt qua thử thách với "tâm, tài, trí, tín"

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển DN trong điều kiện hiện nay. Trước mắt, phải thực hiện thật tốt phòng chống dịch Covid-19, giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.

"Chúng ta quyết tâm hy sinh 1-2 tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ DN lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin. Trong đó, phải thúc đẩy hợp tác công - tư trong chiến lược

vắc-xin, đẩy mạnh tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên, không phụ thuộc địa giới hành chính. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và DN. Bộ GTVT xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa; mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán, không được đẻ ra các giấy phép con... Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho DN duy trì sản xuất - kinh doanh. Hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra DN trong thời kỳ dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem DN và người dân là chủ thể để phục vụ. Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng DN sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố "tâm, tài, trí, tín". 

.NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet:

Đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch

Chúng tôi đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch Covid-19 nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. DN và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vắc-xin, xét nghiệm, các chi phí y tế. Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế cụ thể để có thể triển khai.

Đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Năm 2019, Vietjet đóng góp cho ngân sách trực tiếp và gián tiếp hơn 9.000 tỉ đồng.

Sau thời gian giãn cách chống dịch, Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch... được dự báo tăng trở lại. Để triển khai hiệu quả, kinh nghiệm từ các nước như Singapore cho thấy cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có mã QR nhằm cập nhật khai báo y tế, trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên...

. Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings:

Sớm có gói cho vay lãi suất thấp

Chính phủ và Quốc hội nên xem xét giảm thuế GTGT xuống 5% và thuế thu nhập DN xuống 16% trong 3 năm đối với các DN kinh doanh ngành du lịch, hàng không; có gói vay với lãi suất ưu đãi cho các DN này. Cơ quan quản lý cần ban hành ngay chính sách với chế tài cụ thể về việc cho khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất... nhưng không hạ bậc tín dụng DN để các DN vượt qua khó khăn.

Với ngành hàng không, nhà nước cần có chính sách cho toàn bộ DN hàng không, hỗ trợ trực tiếp các hãng chứ không chỉ một hãng nhằm tạo sự công bằng và bảo đảm sức cạnh tranh của hàng không Việt Nam. Vietravel Airlines cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được cho vay 1.000 tỉ đồng với lãi suất thấp trong 5 năm. Với ngành du lịch, DN kiến nghị tập trung triển khai "hộ chiếu vắc-xin" tại những địa điểm du lịch như Phú Quốc, Nam Hội An, Nha Trang, Hạ Long... cho du khách quốc tế đã tiêm 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính 24 giờ trước khi đến Việt Nam.

Thái Phương ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo