Ngày 21-9, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Kon Tum đã có kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư trồng, sơ chế và bảo quản hạt cây mắc ca sau thu hoạch của Công ty TNHH Đăng Vinh (Công ty Đăng Vinh, trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Từ năm 2017, trên 198 ha rừng thông tại Tiểu khu 481, xã Đăk Long, huyện Kon Plông đã được UBND tỉnh Kon Tum thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang trồng cây lâu năm và cho Công ty Đăng Vinh thuê để trồng cây mắc ca trong thời gian 50 năm.
Để cho chủ đầu tư trồng mắc ca, 198 ha rừng thông trên 20 năm tuổi đã bị triệt hạ tức tưởi. Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2017-2020, công ty trồng 177 ha mắc ca và đầu tư các hạng mục xây dựng của dự án. Từ năm 2021, bắt đầu thu hoạch và hoàn thành các hạng mục xây dựng của dự án.
Thế nhưng đến nay, Công ty Đăng Vinh mới trồng khoảng 150 ha mắc ca có độ tuổi khác nhau. Trong đó có khoảng 15 ha đơn vị trồng thí điểm xen canh 4.000 cây ăn trái (mít, bưởi, hoa anh đào nhưng hầu hết phát triển kém, đã chết); 20 ha sinh trưởng, phát triển chậm. Số diện tích còn lại cây mắc ca sinh trưởng bình thường nhưng mật độ chỉ từ 180-200 cây/ha (đạt 72%-80% so với hồ sơ thiết kế ban đầu); một số diện tích có dấu hiệu bị sâu bệnh, vàng lá; chỉ một số ít cây mắc ca đang cho quả lứa đầu.
Rừng thông bị mất trong khi mắc ca trồng lên thì èo uột
Một số diện tích công ty này chưa trồng mắc ca với lý do đồi dốc, sình lầy. Đối với các hạng mục công trình của dự án, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa lập các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định, chưa tiến hành xây dựng các hạng mục ngoài thực địa. Sau khi được giao đất, chủ đầu tư cũng để người dân lấn chiếm 3,5 ha.
Công ty Đăng Vinh giải trình rằng năm 2021, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến việc triển khai các hạng mục công trình phụ trợ gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, do đặc điểm thổ nhưỡng của dự án phức tạp và tình hình dịch COVID-19 kéo dài nên việc tuyển nhân công lao động chăm sóc cây mắc ca đã trồng bị gián đoạn dẫn đến cây kém phát triển. Hiện tại, công ty cũng đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến hết tháng 12-2023.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã có bài viết thông tin UBND tỉnh Kon Tum cho chuyển đổi 198 ha rừng thông trồng, trên 20 năm tuổi để cho Công ty Đăng Vinh trồng mắc ca trong khi đây là loại cây mới, sinh trưởng phát triển kém đến trung bình. Về việc này, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Kon Tum cũng có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNN xem xét chưa thực hiện phát triển nhân rộng sản xuất mắc ca trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Kon Tum lại đồng ý cho Công ty Đăng Vinh thuê đất, phá rừng thông để trồng mắc ca.
Bình luận (0)