UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 151/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị (metro) số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho thành lập Hội đồng Thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo này và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2020.
Đến năm 2050, xây dựng 8 tuyến metro?
UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21. Kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Dự án tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỉ đồng; theo tiêu chuẩn đường đôi, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km trên cao và 29,93 km trên mặt đất. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và dự kiến đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng trình Thủ tướng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến metro số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, mạng lưới metro ở Hà Nội sẽ gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km. Dự kiến, khi mạng lưới metro của Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35% - 45%, giảm người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông cũng như ô nhiễm môi trường.
Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng 4 đoạn tuyến gồm: tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, cả 4 tuyến này đều chậm tiến độ, đội vốn hoặc đang nằm trên giấy, chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân. Chỉ riêng tuyến số 2A đã nhiều lần chậm tiến độ, đội vốn hơn gấp đôi. Còn tuyến metro số 1, năm 2002 có tổng mức đầu tư 9.197 tỉ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn. Từ năm 2004 đến nay, dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Hiện tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: giai đoạn 1 điều chỉnh, giai đoạn 2A điều chỉnh và giai đoạn 2B. Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, sau 18 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công.
Các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội hiện nay đều chậm tiến độ, đội vốn
Nhiều bất cập
Nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển đường sắt đô thị là cần thiết nhưng nếu phát triển ồ ạt mà không kiểm soát chặt chẽ sẽ gây chậm tiến độ, lãng phí và ảnh hưởng đến giao thông đô thị.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, đến thời điểm này, có thể nói tuyến metro số 2A Cát Linh - Hà Đông đã "vỡ trận", về tiến độ, giá hay công nghệ đều cho thấy thất bại rõ ràng. "Việc xây dựng đường sắt đô thị hiện rất ì ạch, gây ra những hệ lụy cho xã hội. Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông là bài học rõ nhất. Hà Nội có nhiều dự án đường sắt đang xin chủ trương hoặc sắp xây dựng, cần rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại những "vết xe đổ" trước" - ông Thủy nhận định.
Theo một chuyên gia giao thông, nguyên nhân chính của việc đội vốn so với dự toán là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư và tư vấn lập dự án khi tính toán tổng mức đầu tư không đúng với tình hình thực tế, phải liên tục điều chỉnh.
"Ngoài ra, do thay đổi quy mô xây dựng so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây đã dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh... cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng..." - chuyên gia này nhìn nhận.
Giảm dần phụ thuộc yếu tố nước ngoài
Theo Tờ trình số 151/TTr-UBND, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép TP lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và chế tạo toa xe phục vụ công tác phát triển hệ thống đường sắt đô thị. TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực... để hỗ trợ quá trình phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước chủ động và giảm dần sự phụ thuộc yếu tố nước ngoài.
Bình luận (0)