Tôi mới tình cờ đọc được câu chuyện của một người bạn trên Facebook về một kỷ vật quý báu của anh: bức thư của bà ngoại anh từ hơn 30 năm trước, do một người cậu chuyển lại. Ngoại anh thuộc lớp người sinh ra và lớn lên đầu thế kỷ XX, chỉ được học chữ quốc ngữ thời Bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng lại viết chữ rõ ràng, cứng cáp… Anh tỏ ra bất ngờ và rất quý bức thư đó!
Ít học nhưng hiểu nhiều
Chuyện của anh bạn làm tôi nhớ về nhưng người già… ít chữ của gia đình. Ông ngoại tôi mất trong chiến tranh, khi mẹ tôi còn nhỏ nên tôi cũng không có nhiều ấn tượng về ông. Tôi nghe kể lại ông có biết chữ nhưng chắc không nhiều. Một người anh ruột của ông ngoại tôi cũng biết chữ và đã đọc nhiều bộ truyện Tàu, trong đó có "Đông Chu liệt quốc" và "Tam quốc diễn nghĩa", nên 2 người con trai của ông được đặt tên theo hai nhân vật nổi tiếng của các bộ truyện này là Tôn Tẫn và Tào Tháo.
Bà ngoại tôi là người không biết chữ. Cái vùng nông thôn nghèo heo hút ở Bến Tre quê tôi có rất nhiều người già không biết chữ, có thể những lớp Bình dân học vụ năm xưa chưa đến hoặc đến nơi này nhưng không nhiều, mà cũng có thể nhiều người không xem việc học chữ là quan trọng bằng các việc học khác như cày cấy, nuôi gà, giữ vịt…
Quê nội tôi ở xã bên cạnh. Ông bà nội tôi cũng cùng lứa tuổi với ông bà ngoại. Bà nội tôi không biết chữ. Ông nội tôi tuy học không nhiều nhưng lại hiểu biết khá rộng nhờ đọc nhiều sách. Ông còn biết chút tiếng Pháp, như nhiều người có đi học cùng thời với ông.
Từ nhỏ, mỗi lần sang nhà nội tôi đều thấy ông đang đọc dở một cuốn sách gì đó, từ tiểu thuyết cho đến các loại sách khảo cứu. Ông nói chuyện sang sảng, hay dẫn các mẩu chuyện kể hoặc các lời bình trong sách để thuyết phục người nghe về điều mình đang nói.
Có lẽ tác giả mà ông nội tôi đọc nhiều là Thu Giang Nguyễn Duy Cần vì tôi hay nghe ông nhắc đến nhà nghiên cứu này. (Chính tôi sau này cũng đọc nhiều cuốn của một trong những tác gia viết loại sách dạy làm người nổi tiếng nhất miền Nam trước năm 1975).
Có lần vừa gặp mặt, ông nói ngay: "Bữa giờ ông nội chờ con để hỏi chỗ này". Nói rồi ông mở cuốn "Lịch sử Việt Nam tập 1" (tôi không nhớ xuất bản năm nào, có lẽ vào những năm 1970) trong đó có chi tiết về niên đại của các hiện vật, được ghi (đại khái) là 3.700 (±50) năm. Vì ông hỏi những người xung quanh không ai đọc được ký hiệu này. Tôi giải thích: con số này có nghĩa là niên đại của hiện vật khoảng 3.700 năm nhưng có xê dịch (sớm hơn hoặc trễ hơn) 50 năm...
Nhân đó, tôi nói thêm về cách tính niên đại của các di chỉ, hiện vật khảo cổ bằng phương pháp đồng vị carbon (còn được gọi là định niên đại bằng carbon phóng xạ)… Ông cười nói: "Tao nói rồi, cái gì không biết thì cứ hỏi cháu tao!". Hóa ra, ông tự hào về thằng cháu "có chữ nghĩa" nhiều nhất họ hàng, vì khi đó, tôi là đứa cháu đầu tiên của dòng họ vào đại học cùng với một người cô họ…
Ông nội tôi, Nguyễn Văn Quới (1916 - 2009), lúc ngoài 80 tuổi vẫn thường đọc sách. Ảnh chụp năm ông 82 tuổi. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đọc nữa, đọc mãi...
Thừa hưởng cái gien thông minh của ông nội, ba tôi cũng có thể coi là người hiểu biết nhiều so với những người cùng thế hệ của ông. Tuy ông học đến lớp ba trường làng được ít lâu rồi đi ở đợ giữ trâu cho các gia đình địa chủ, nhưng sau này nhờ đọc nhiều sách, lại chơi thân với nhiều người thuộc hàng trí thức trong vùng lúc bấy giờ (có người học hết tú tài, có người học cao đẳng, có người làm thầy giáo…) nên ba tôi cũng được mở mang nhiều.
Ngoài nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc và phương Tây, ba tôi rất thích đọc sách về toán học và kỹ thuật. Tôi nhớ hồi nhỏ ở nhà có cuốn Toán pháp lớp 5 (xuất bản năm 1970), ba tôi hay đem những bài khó ra đố các anh học cấp II thì nhiều lần các anh đều không giải được, sau đó ba tôi mới giải thích ro ro. Ông cũng có lần đem bài toán Hàn Tín điểm binh ra bàn với… tôi. Nhưng quả thật tôi kém toán nên nghe qua chỉ biết đây là bài toán Định lý số dư Trung Hoa chứ không tham gia bàn luận nổi với ông, dù có biết chuyện danh tướng Hàn Tín thời Tây Hán của Trung Quốc mỗi khi cần điểm quân số, ông cho quân lính xếp hàng 3, hàng 5, hàng 7 rồi báo cáo số dư, từ đó ông tính chính xác quân số đến từng người…
Cũng nhờ chịu đọc và chịu tìm hiểu, sau này ba tôi làm khá thạo hai nghề tay trái là làm bình ắc quy (vào những năm 1990, khi trong vùng vẫn chưa có điện) và sửa máy nổ (máy dầu diesel). Tôi nhận thấy ông làm các việc này bằng kiến thức khá căn cơ, nền tảng (tức là nắm bắt được nguyên lý) chứ không phải làm theo kiểu "tay quen".
Còn mẹ tôi thì… biết chữ một nửa! Mẹ kể hồi nhỏ được ông ngoại cho đi học nhưng ham chơi, học được ít lâu thì nghỉ. Mãi đến sau năm 1975, các lớp Bình dân học vụ được tổ chức rộng rãi thì mẹ tôi mới đi học lại, vừa đủ biết đọc, biết viết. Sau này, mẹ nói nhờ có lớp học đó mà mẹ mới biết đọc, rồi mới đọc được các bài báo của tôi viết. Trong một thời gian dài, do ba tôi hay "tha" sách về, mẹ tôi cũng hay đọc, nhờ vậy mẹ cũng hiểu biết khá nhiều.
Có dạo, ba tôi đi làm ăn xa, hay mua sách người ta bán dạo trên xe đò, ông mua cả những cuốn khá lạ, như "Tiểu thư Merry" của văn hào Nga Lermantov, "Tro tàn của một tổ ấm" của văn hào Brazil Graciliano Ramos… Mẹ tôi duy trì việc đọc mãi đến khi mắt kém, phải đeo kính, không đọc sách thì đọc báo.
Mấy năm gần đây, tôi xuất bản được vài cuốn sách, mẹ tôi đọc đi đọc lại, lâu lâu lại nói: "Chuyện của con viết mẹ biết hết rồi mà đọc lại vẫn rớt nước mắt…". Đó là các câu chuyện về quê hương, họ hàng, gia đình… mà tôi cố gắng ghi chép lại sợ sau này không còn ai nhớ nữa…
Mẹ tôi đọc rất tốt nhưng gần như không viết chữ được, trừ ghi được tên mình khi phải ký giấy tờ gì. Gần đây, bà xem YouTube, thấy người ta dạy nấu ăn, có những bài hay nhưng không chép lại được, bèn kêu thằng cháu nội viết ra giấy, bà theo đó mà nấu thử, các cháu đều bảo lạ mà ngon!
Lấy lễ nghĩa làm gốc
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân… có truyền thống, tức là đời đời làm nông dân. Tôi may mắn thừa hưởng gien đọc sách của ông nội, của ba và của mẹ tôi cùng với tư duy tiến bộ của ba nên mới được học hành tới nơi tới chốn. Không chỉ vậy, những người lớn tuổi trong gia đình tuy ít chữ nhưng đều giữ được lễ nghĩa, quy củ truyền thống của cha ông, nên tiếp tục dạy dỗ con cháu những điều hay lẽ phải.
Hồi nhỏ, có thời gian tôi sống với bà ngoại; ngoại tôi khi đó mới ngoài sáu mươi nhưng hom hem, lụm cụm, thường hay la rầy tôi mỗi khi nghe ai đó "méc lại" tôi bắt chước đám trẻ nói tục hoặc bất kính với người lớn. Tôi cũng rất "ngán" nghe ông nội "giảng đạo", tức là làm người phải thế này… thế này. Bây giờ thì ba tôi gần như lặp lại điều đó và cách thức đó, nhưng tôi thấy là một điều đáng trân trọng.
Ví như hồi xưa tôi nghe chuyện "Ai mua cha" do ông nội kể thì bây giờ ba tôi lại kể cho các cháu nghe… Còn các con tôi tuy không vui mỗi khi nghe lời dạy của mẹ tôi về việc "tề gia" nhưng tôi thấy đó là sự nối tiếp cần được kế thừa…
Nhờ những người thân lớn tuổi tuy ít chữ nhưng giàu lòng nhân hậu và giữ được lề thói mà anh em chúng tôi được thành người!
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)