Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống Covid-19 ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 15-8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã báo cáo kế hoạch chống dịch của thành phố trong 30 ngày tới.
Hai giai đoạn chống dịch
TP HCM không xuất hiện thêm chuỗi lây nhiễm mới và số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm. Bình quân trong 13 ngày gần đây, thành phố ghi nhận 3.830 ca nhiễm/ngày, giảm 18% so với 13 ngày trước. Tỉ lệ ca nhiễm tại khu phong tỏa chỉ còn 57% (đầu tháng 8, tỉ lệ này là 80%).
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm nhưng kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Từ ngày 27-4 đến nay, TP HCM đã có 142.618 trường hợp mắc Covid-19, đang điều trị 32.149 bệnh nhân, trong đó có 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tặng quà cho hộ khó khăn trên địa bàn quận Phú Nhuận
Theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP HCM đã xây dựng kế hoạch phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 với 2 giai đoạn.
Từ ngày 15-8 đến ngày 31-8: Kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong; không để F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; mở rộng "vùng xanh", phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: 5, 7, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi.
Từ ngày 1-9 đến 15-9: TP HCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trước ngày 15-9. Đến ngày 15-9, số trường hợp tử vong giảm 20%, số trường hợp nặng giảm 20%; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện; số nhập viện không quá 2.000 người mỗi ngày; bảo đảm hơn 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm vắc-xin mũi 1 và 15% dân số được tiêm mũi 2.
8 nhóm giải pháp trọng tâm
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố tập trung thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp.
Một là thực hiện giãn cách xã hội: Tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú và kiểm soát chặt chẽ những người được phép ra khỏi nhà. Các khu phong tỏa bảo đảm "ngoài chặt, trong chặt" gắn với công tác kiểm tra giám sát; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ "vùng xanh".
Hai là xét nghiệm: Đối với các khu phong tỏa (các vùng "đỏ", "cam"), xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh theo hộ gia đình. Đối với các "vùng xanh", "cận xanh", "vàng", xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình.
Ba là điều trị: Tập trung thực hiện hiệu quả 2 trụ cột là chăm sóc F0 tại nhà và điều trị tại bệnh viện. Về chăm sóc F0 tại nhà, xét nghiệm tại nhà, "túi thuốc điều trị" tại nhà, an sinh tại nhà. Quy trình hóa việc chăm sóc F0 tại nhà; vận hành hiệu quả Tổ phản ứng nhanh tại phường, xã, thị trấn theo nhóm hộ gia đình để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh có triệu chứng hoặc chuyển cấp cứu; xây dựng mạng lưới tình nguyện chăm sóc, tư vấn F0 tại nhà.
Tại bệnh viện sẽ điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng; huy động tất cả các bệnh viện công lập, tư nhân tham gia điều trị; thành lập Trung tâm Quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ôxy, số giường bệnh cho hệ thống cơ sở điều trị; thành lập Tổ chuyên gia về điều trị.
Bốn là vắc-xin: TP HCM sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm, nhiều hình thức tiêm như: tiêm lưu động, tiêm tại nhà, tiêm ban đêm, cấp vắc-xin và cho doanh nghiệp thuê đơn vị y tế có năng lực để tiêm nhằm mở rộng tỉ lệ bao phủ vắc-xin.
Năm là về nhân lực: Rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Trong đó, tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị và tăng cường tập huấn cho đội ngũ bác sĩ về năng lực hồi sức cấp cứu.
Sáu là an sinh xã hội: Triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm An sinh) và thí điểm các trung tâm tại quận 5, quận 7, quận 12. Chuẩn bị 1 triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn.
Bảy là về sản xuất: TP HCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo 1 trong 4 phương án: tiếp tục thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất); tiếp tục thực hiện phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương án "1 cung đường - 2 địa điểm" linh hoạt (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung); cả 2 mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm"; tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.
Tám là đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông an dân theo hướng động viên nỗ lực của toàn dân, lan tỏa sâu rộng tinh thần đoàn kết, nhân ái; đề cao ý thức chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Thêm nhóm đối tượng được hoạt động
Tối 15-8, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn số 2718 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16-8 đến hết ngày 15-9 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".
Đối với khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày, tiếp tục kiểm soát việc di chuyển trên địa bàn thành phố của các nhóm đối tượng được phép hoạt động theo chỉ đạo tại Công văn 2468 ngày 23-7 và các Công văn 2522, 2523 ngày 28-7 của UBND TP HCM.
Thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động: các cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ; bảo trì, sửa chữa...; bảo hiểm, phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân... Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: Đội ngũ người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP Thủ Đức và phải bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch...; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.
Từ 18 giờ ngày trước đến 6 giờ ngày sau, yêu cầu mọi người dân tiếp tục hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động, trừ các trường hợp sau: đi tiêm vắc-xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi; nhân viên các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện phục vụ cho công tác phòng chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài, bao gồm cả công tác phát hành báo...
Bình luận (0)