Ngày 19-9, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã vượt qua các khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhờ đó, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh giữ được sự ổn định và có nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.
Nỗ lực vượt khó
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, nhấn mạnh mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực nhưng với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, từ năm 2020-2021, GRDP tăng lần lượt 3,23% và 0,88%; riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, GRDP đạt mức tăng trưởng 9,2%; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,07%.
Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Tây Ninh ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ trong GRDP. Tỉnh cũng đã tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đang được hình thành và nhân rộng, tuy nhiên đóng góp cho tăng trưởng còn hạn chế. Ngành dịch vụ, du lịch phục hồi và có mức tăng trưởng nhanh cả về doanh thu du lịch và lượng khách tham quan.
Ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng với 24 chỉ tiêu chủ yếu được Nghị quyết đại hội đề ra, qua đánh giá nửa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội, môi trường, xây dựng Đảng đã đạt trên 50% nhiệm vụ, khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành. Đáng chú ý như về xây dựng Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra 4 chỉ tiêu, kết quả thực hiện đạt 4/4 chỉ tiêu. Cụ thể, tỉ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 96,9% (nghị quyết là 85%); tỉ lệ Đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 98,33% (nghị quyết là 90%)...
Tuy nhiên, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đến nay còn nhiều khó khăn, khả năng hoàn thành là một thách thức rất lớn, như GRDP tăng 4,72% (trong khi nghị quyết là 7,5%); thu nhập bình quân đầu người đạt 33,1% so với mục tiêu nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 9% so với mục tiêu là 15,5%.
Đối với những hạn chế, khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm đề nghị các đại biểu tập trung bàn bạc, phân tích, làm rõ các vấn đề, nhất là về những chỉ tiêu, nhiệm vụ có khả năng không đạt vào cuối nhiệm kỳ. "Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, không né tránh để từ đó có giải pháp cụ thể; đồng thời xem xét, lựa chọn những khâu khó, việc yếu và xác định theo thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện gắn với dự lường các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện" - ông Nguyễn Thành Tâm yêu cầu.
Chú trọng các dự án giao thông kết nối vùng
Trong 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Tây Ninh nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cải thiện tính năng động và tiên phong của chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có ý thức kỷ luật, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của địa phương. Qua đó, kịp thời thay đổi vị trí, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý vô cảm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, thiếu quyết liệt vì sự phát triển chung của địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ; xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh cao; triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp phục hồi nhanh, sản xuất hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu ngân sách nhà nước. Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị trung ương điều chỉnh, bổ sung phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho tỉnh, nhất là chỉ tiêu đất khu công nghiệp; kiến nghị trung ương cho chủ trương để tỉnh Tây Ninh nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài… Đặc biệt là chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Trao đổi bên lề hành lang hội nghị với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng Tây Ninh là địa phương có nhiều bất lợi về kết nối giao thông, đặc biệt là với TP HCM và các vị trí cảng biển để lưu thông hàng hóa. Cho nên, các dự án giao thông kết nối vùng, đặc biệt là kết nối với TP HCM và các cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Tây Ninh, giúp thu hút các nhà đầu tư đến khai thác những tiềm năng của tỉnh.
"Tôi cho rằng những dự án kết nối vùng có tính chất quyết định thay đổi điều kiện, môi trường đầu tư của Tây Ninh" - ông Tâm khẳng định. Ông Tâm cho biết thêm tỉnh đặc biệt quan tâm và tích cực phối hợp với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ và phối hợp các địa phương trong vùng để cụ thể hóa những chương trình cũng như các dự án giao thông trọng điểm kết nối, giải quyết tốt các điểm "nghẽn" để Tây Ninh phát triển hơn.
Tạo không gian phát triển tốt hơn
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, hiện nay Tây Ninh đang phối hợp với TP HCM để hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đồng thời tiếp tục tập trung nhằm chuẩn bị các thủ tục mời gọi đầu tư giai đoạn 1 của tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. Tiếp theo nữa, tỉnh sẽ tập trung đầu tư kết nối giữa Tây Ninh với Bình Dương, Tây Ninh với Long An. "Những dự án này đã được lên ý tưởng thống nhất giữa các địa phương liên quan để triển khai trong thời gian tới. Hy vọng rằng với sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh lân cận sẽ sớm hiện thực hóa được ý tưởng này nhằm tạo ra điều kiện, không gian phát triển tốt hơn không chỉ cho Tây Ninh, mà cả toàn vùng trong thời gian tới" - ông Nguyễn Thành Tâm kỳ vọng.
Bình luận (0)