Chiều 9-2, tại buổi họp báo về hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Duy Đông cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị này vào ngày 12-2, tại tỉnh Quảng Ninh.
Phát triển các hành lang công nghiệp
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Địa phương và Lãnh thổ (Bộ KH-ĐT), cho biết theo chương trình hành động vừa ban hành ngày 8-2, Chính phủ đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển bền vững hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Chính phủ xác định thúc đẩy phát triển các hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Việt Trì qua TP Vĩnh Yên, Hà Nội - Lạng Sơn. Phát triển vùng thành trung tâm sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm Chính phủ nêu rõ phát triển là công nghiệp hiện đại có lợi thế như công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số.
Hạ tầng giao thông sẽ là yếu tố quan trọng để kết nối các hành lang công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng Ảnh: HỮU HƯNG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tại buổi họp báo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết nhiều "ông lớn" công nghệ đã đầu tư vào các địa phương trong vùng như Samsung, LG…, từ đó dần hình thành ngành công nghiệp điện - điện tử, bước đầu phát triển công nghiệp phụ trợ. Theo ông Trần Duy Đông, một số doanh nghiệp trong nước đã tham gia chuỗi giá trị của ngành nhưng còn hạn chế. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh đây là điểm hạn chế cần khắc phục về phát triển vùng trong thời gian tới để phát triển mạnh ngành điện - điện tử, tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước. Để thực hiện mục tiêu này, ông Trần Duy Đông cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp mới như sản xuất chip, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới... cho vùng đồng bằng sông Hồng, yêu cầu trình Chính phủ trong năm 2023.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đề xuất hình thành các cụm liên kết ngành và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ ở các địa phương có lợi thế phát triển như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên. Bộ Công Thương cũng cho rằng cần ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, có vai trò dẫn dắt như sản xuất chip, bán dẫn, robot, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.
Tạo đột phá về hạ tầng
Chính phủ cho biết sẽ huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống logistics gắn với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, cửa khẩu và hệ thống cảng biển. Trong đó, xác định TP Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ ra biển, kết nối các tuyến hành lang, vành đai kinh tế.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại là một trong những giải pháp đột phá để phát triển vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh, nhất là sớm hoàn thành các tuyến metro tại thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc…
"Mục tiêu đề ra đến năm 2027, hoàn thành tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Phấn đấu đến năm 2030, đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 5 - vùng thủ đô Hà Nội, đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và các đường song hành với các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5 tại Hà Nam và các địa phương trong vùng phù hợp với quy hoạch cũng như khả năng cân đối nguồn vốn..." - Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
2,6 tỉ USD cho 20 dự án
Theo Bộ KH-ĐT, tại hội nghị ngày 12-2, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, 11 địa phương trong vùng sẽ ký kết với các nhà tài trợ vốn để thực hiện 20 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng về đường bộ, hàng không, đường sắt và cảng biển, với tổng số vốn 2,6 tỉ USD. Các nhà tài trợ vốn lớn gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản... Bên cạnh đó, 11 địa phương cũng sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án, quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án và biên bản ghi nhớ cho 2 dự án.
Bình luận (0)