Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư và giao cho Bộ Công Thương đề xuất phương án cụ thể về cấp điện cho huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hiện nguồn điện bằng máy phát diesel ở Côn Đảo thiếu hụt so với nhu cầu thực tế. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc cấp điện cho đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai là cấp thiết.
Phục vụ nhiều mục tiêu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 25-3, ông Hoàng Trung Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết bộ đã nhiều lần làm việc với địa phương cũng như các cơ quan liên quan để tìm phương án tối ưu cấp điện cho Côn Đảo. Phương án cung cấp điện cho Côn Đảo được lựa chọn trên cơ sở xem xét các yêu cầu cung ứng điện ổn định liên tục, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, an toàn môi trường, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm do khí thải.
"Việc cấp điện cho Côn Đảo cũng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó có tính đến các phương án nguồn điện tại chỗ như điện than, khí, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm là phù hợp nhất, bảo đảm tính ổn định và tin cậy nhất. Tất nhiên, chúng ta vẫn phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió để bổ sung. Nhưng đó vẫn không phải là nguồn chủ đạo; chủ đạo vẫn là cấp từ lưới điện quốc gia" - ông Dũng nói.
Cần kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo phân tích của ông Hoàng Trung Dũng, với một hòn đảo như Côn Đảo, không thể có một lưới điện độc lập do một nhà máy điện cung cấp được, bởi có thể trong một số trường hợp, nhà máy đó bảo trì bảo dưỡng thì lấy điện ở đâu để cấp. Phải có cả một hệ thống, nhà máy này nghỉ thì còn có nhà máy khác cấp điện.
Cho nên, trên Côn Đảo, vẫn phải nối với lưới điện quốc gia để bảo đảm tính ổn định, liên tục. Nơi đây không nên phát triển nhiệt điện vì điện ở đây chủ yếu phục vụ cho phát triển du lịch.
Giảm thiểu tác động môi trường
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng qua đánh giá, so sánh các phương pháp cấp điện cho Côn Đảo thì việc đưa điện lưới từ Sóc Trăng ra Côn Đảo là phương án ổn định, lâu dài, bảo đảm mục tiêu an ninh - quốc phòng và giảm thiểu sự tác động đến môi trường, sinh thái của Côn Đảo.
Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết trước đó cũng đã phân tích thêm các phương án sử dụng điện khác như điện gió, điện khí, năng lượng mặt trời nhưng không khả thi và hiệu quả bằng việc đầu tư điện lưới. Từng có chủ đầu tư tìm hiểu đầu tư dự án điện khí LNG tại Côn Đảo song vì không hiệu quả nên đã dừng, tỉnh cũng đã thu hồi chủ trương. Các nguồn điện khác chỉ có thể bổ sung, còn tính ổn định, lâu dài, an toàn thì vẫn là việc đưa điện lưới ra đảo.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo là huyện có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế và an ninh - quốc phòng. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030, Côn Đảo sẽ đón 300.000 lượt khách nhưng thực tế đến năm 2019 đã đón vượt con số trên. Chính vì vậy, yêu cầu cung ứng điện phục vụ đảo là vô cùng cấp thiết.
Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Bộ Công Thương phê duyệt, nhu cầu điện dự báo cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là khoảng 21 MW, năm 2030 là 33,3 MW và đến năm 2035 là 46,4 MW.
Theo quy hoạch trên, định hướng phương án cung cấp điện cho huyện giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã xác định ngoài việc xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Bãi Ông Câu (5 MW) và các dự án điện khác tại chỗ, phải xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng để cấp điện cho huyện Côn Đảo mới đáp ứng được nhu cầu.
Trên cơ sở đó, tháng 11-2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy cho phép báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp nhận chủ trương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2021-2025 để bố trí đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo.
Tổng vốn 4.800 tỉ đồng
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc làm việc cũng như khảo sát thực tế, chọn phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm là phù hợp nhất. Theo dự án, điện sẽ được lấy từ trạm ở Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) kéo 3 km đường dây trên bờ, 15 km trên biển cạn và 78 km cáp ngầm, cùng với một trạm biến áp 110 KV... Tổng vốn dự kiến để thực hiện dự án là 4.800 tỉ đồng.
Bình luận (0)