Thanh tra TP Hà Nội vừa ra kết luận thanh tra liên quan đến những sai phạm trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn từ năm 2008 đến nay và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.
Sai phạm tràn lan
Theo các kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.
Cụ thể, 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu ra từ năm 2008 nhưng không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có đến 797 công trình vi phạm.
Hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng được Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Với việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), huyện Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng. Chủ sử dụng 2 thửa đất trên đã chuyển nhượng đất và chính quyền Sóc Sơn lại làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009, 2017. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn đã ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi đất ở nằm trong quy hoạch rừng nhưng thực tế chưa thu hồi, các hộ dân vẫn đang sử dụng.
Huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng khiến tình hình phức tạp hơn; đặc biệt là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn.
Ngoài trách nhiệm thuộc về các cơ quan của huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm của giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng giai đoạn 2014-2016 và Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn từ năm 2008 đến nay.
Từ những vi phạm đã kết luận, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan. Đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ. Có phương án xử lý đúng pháp luật, bảo đảm đất đai sử dụng đúng mục đích các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018.
Có ưu ái?
Thanh tra TP Hà Nội có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn của huyện Sóc Sơn đã chỉ ra nhiều vi phạm về quản lý quy hoạch, quản lý đất rừng phòng hộ, sử dụng đất, trật tự xây dựng... Tuy nhiên, kết luận không nêu cụ thể trường hợp vi phạm nào.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết: "Tôi nhận thấy các kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hà Nội chỉ mang âm hưởng chủ đạo là "Xử lý theo đúng quy định" và "Rút kinh nghiệm".
Các kết luận này có nổi lên một số vấn đề mà dư luận quan tâm nhưng chỉ nêu rõ phải tổ chức cưỡng chế một số công trình nhưng còn nhiều công trình hạng mục khác thì lại không nói cụ thể hướng xử lý. "Tôi nghĩ Thanh tra TP Hà Nội cần nêu rõ hướng xử lý để địa phương thực hiện, nếu không sẽ rất khó triển khai những công việc sau thanh tra" - luật sư Tú đề nghị.
Nêu quan điểm sau khi đọc các kết luận thanh tra, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: "Tôi không hiểu vì sao công trình vi phạm như Việt phủ Thành Chương không được chỉ ra trong kết luận của Thanh tra TP Hà Nội lần này. Có sự ưu ái nào ở đây hay không?
Theo ông Võ, vấn đề sai phạm đất rừng ở Sóc Sơn kéo dài hàng chục năm, đã có ít nhất 3 kết luận thanh tra của các cấp khác nhau nhưng việc thực hiện lại không triệt để. "Để pháp luật được thực thi nghiêm thì mọi trường hợp vi phạm đều phải xử lý triệt để. Nhiều người cho rằng xử lý sẽ tốn kém nhưng nếu cứ lo ngại chuyện này chuyện kia mà không làm thì mãi mãi pháp luật ở nước ta sẽ bị "nhờn" - ông Võ nói đồng thời đề nghị: "Trước mắt Hà Nội cần quyết liệt chỉ đạo thực thi kết luận thanh tra lần này, sau đó nếu tiếp tục phát hiện sai phạm thì Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc lần nữa".
Truy cán bộ sai phạm dù đã nghỉ hưu
Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra Công an TP Hà Nội những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến xây dựng công trình vi phạm quy hoạch rừng năm 2008.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, như vậy vẫn chưa đủ. Những sai phạm ở Sóc Sơn cho thấy giữa các cấp và chính lãnh đạo các cấp qua các thời kỳ có sự bất nhất trong quản lý. Vì vậy, cần xác định những cơ quan, lãnh đạo nào để xảy ra sai phạm, có bao che hay không để truy ra, xử lý nghiêm dù đã nghỉ hưu. "Sai phạm nhiều năm liền như vậy thì chắc chắn có sự bao che của các cấp có thẩm quyền. Cấp xã, huyện không đủ tầm để có thể bao che nhiều sai phạm và lâu như vậy, phải có nhiều cấp liên quan khác" - ông Hòa nói thẳng.
Bình luận (0)