xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kết nối du lịch TP HCM với 8 tỉnh Tây Bắc

THÁI PHƯƠNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sáng kiến liên kết, hợp tác, phát triển du lịch của TP HCM với các địa phương trên cả nước, trong đó có 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng

Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững", do UBND TP HCM và UBND tỉnh Phú Thọ đồng chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái tổ chức đã diễn ra vào chiều 14-11, tại tỉnh Phú Thọ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự.

Xây dựng nhiều sản phẩm, tour tuyến mới

Theo Sở Du lịch TP HCM, chương trình liên kết giữa TP và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch.

Năm 2019, tổng số khách du lịch đến toàn vùng Tây Bắc mở rộng đạt 35 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu lượt, doanh thu đạt gần 53.000 tỉ đồng. Con số này tăng mạnh so với năm trước nhưng các tỉnh Tây Bắc vẫn rất cần liên kết, hợp tác với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… để cùng phát triển du lịch.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết hội nghị liên kết này là bước mở đầu cho sự hợp tác thực chất, tăng cường hơn nữa thu hút du khách, kêu gọi các nguồn lực đầu tư đến với vùng Tây Bắc. UBND tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ chỉ đạo các sở ngành, đơn vị để tích cực hợp tác, hoàn thành mục tiêu đề ra; tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng với các địa phương; xây dựng nhiều hơn nữa sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để kết nối tour tuyến với những điểm đến trong vùng.

Kết nối du lịch TP HCM với 8 tỉnh Tây Bắc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các tỉnh, thành tham quan gian hàng giới thiệu du lịch vùng Tây Bắc, trong khuôn khổ hội nghị Ảnh: LAM GIANG

Dưới góc độ kinh doanh, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhìn nhận du lịch Tây Bắc còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với TP HCM. Theo ông Tài, thời gian qua, Lữ hành Saigontourist thuộc Saigontourist cùng đoàn doanh nghiệp (DN) du lịch của TP HCM và một số nhà tư vấn đã tham gia khảo sát các điểm đến, dịch vụ của các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Trên cơ sở khảo sát, các DN đã xây dựng 3 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương ở khu vực này. "Chúng tôi cũng đang phối hợp, hỗ trợ ngành du lịch Tây Bắc nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng mới sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt phù hợp với từng phân khúc thị trường khách; nghiên cứu, xây dựng mở tour mới nhằm phát huy lợi thế về du lịch Tây Bắc" - ông Tài thông tin thêm.

Lữ hành Saigontourist đặt chỉ tiêu 1 năm phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan Tây Bắc như về nguồn, văn hóa lịch sử, khám phá nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch MICE và đặt chỉ tiêu bình quân hằng năm đưa khách đến Tây Bắc tăng trên 10% - 20%. DN sẽ ưu tiên các điểm đến Tây Bắc trong chương trình tour liên tuyến, đơn tuyến, kết nối du lịch nội địa và du lịch ngoài nước bán cho khách du lịch.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết lượng khách đến Tây Bắc qua hệ thống Vietravel liên quan tăng những năm qua. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 kéo dài công ty vẫn phục vụ được 23.000 khách (tính đến ngày 15-11) đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh Tây Bắc.

"Để sản phẩm liên kết có lợi thế cạnh tranh, các đối tác trong vùng cùng nhau cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ và giảm giá thành xuống từ 30 - 50% từ nay đến giữa năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 40.000 khách đến vùng Tây Bắc trong năm 2021" - đại diện Vietravel nói.

Để cộng đồng địa phương cùng làm du lịch

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, nhận định TP HCM và 8 tỉnh Tây Bắc hiện có nhiều cơ hội để cùng nhau phát triển ngành du lịch. Hai bên có thể bổ trợ cho nhau để tạo ra nhiều chương trình du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn TP HCM - Tây Bắc và ngược lại. Đây sẽ là cơ hội để mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn mà cả hai bên sẽ gặt hái được những trái ngọt từ hoạt động liên kết phát triển du lịch mang lại.

Một trong những giải pháp được lãnh đạo TP HCM đề ra nhằm đưa liên kết phát triển du lịch giữa TP và 8 tỉnh Tây Bắc ngày càng hiệu quả, đó là tập trung phục hồi ngành du lịch. Hiện nhiều DN vẫn còn chịu tác động nặng nề của dịch bệnh khi công suất phòng khách sạn vẫn dưới 8%. Do đó, ngành du lịch cần những giải pháp sáng tạo, mạnh dạn để giúp DN duy trì và phục hồi sớm, như liên kết hợp tác để tăng cường lượng khách 2 chiều từ các tỉnh, thành; hình thành xu hướng người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và tăng cường hợp tác đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch.

"Cần đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế của du lịch TP và 8 tỉnh Tây Bắc. Kêu gọi đầu tư nâng cấp, hình thành mới các điểm du lịch ở từng địa phương. Sự hình thành mới điểm du lịch cần hướng đến mục tiêu tạo nên sự đa dạng ở các điểm liên kết trong hành trình của du khách" - ông Nguyễn Thành Phong gợi ý.

Đáng lưu ý, lãnh đạo TP HCM cũng đề cập việc liên kết phát triển du lịch phải bảo đảm tính bền vững. Phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương, hỗ trợ người dân tham gia cùng làm du lịch. Bảo vệ môi trường sống, bảo tồn các di sản, văn hóa và hình thành nếp sống văn minh để mỗi DN, mỗi người dân thực sự trở thành đại sứ du lịch, thực hiện sứ mệnh quảng bá du lịch vùng, chào đón du khách.

Đánh giá cao sự kiện kết nối du lịch quan trọng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý một trong những nhiệm vụ cần tập trung hiện nay của ngành du lịch Tây Bắc là liên kết với TP, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư lớn xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch. Nếu xây dựng được các khu du lịch tập trung, sản phẩm du lịch bền vững kết hợp giữa DN và cộng đồng dân cư…, thì không chỉ tạo việc làm cho người dân bản địa mà còn góp phần tiếp thu, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương.

Vừa qua, du lịch một số địa phương có những lúc phát triển rất nóng, dẫn đến nguồn lực không được khai thác hiệu quả. Thậm chí một số nơi phải dùng rất nhiều nguồn lực để khắc phục những khiếm khuyết do phát triển nóng. Có nhiều ngọn núi bị phá, nhiều dòng sông chết… với rất nhiều lý do, trong đó có lý do về du lịch. Theo Phó Thủ tướng, gần đây ở Tây Bắc, khi phát triển du lịch cộng đồng, một số nơi cấp tập phát động bà con nâng cấp hạ tầng nông thôn, nhà nhà đón khách… nhưng lại bê-tông hóa môi trường xung quanh.

"Đầu tư vào sản phẩm du lịch bền vững sẽ khó hơn, đòi hỏi nhiều công sức của cả DN và địa phương nhưng những sản phẩm du lịch cộng đồng có sự tham gia của DN lớn mới bền vững, lâu dài và trở thành "của để dành" cho con cháu sau này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, những điểm nghẽn phát triển du lịch giữa TP và 8 tỉnh Tây Bắc đã được nhận diện, trong đó thỏa thuận liên kết hợp tác du lịch giữa các địa phương được kỳ vọng như "chìa khóa" để từng bước tháo gỡ. Ngay sau hội nghị liên kết, UBND 9 địa phương sẽ cùng ban hành kế hoạch hành động triển khai cụ thể của năm 2021.

"Tổ Công tác gồm "9 tư lệnh ngành du lịch của các tỉnh thành" cần phối hợp chặt chẽ triển khai một cách đồng bộ, có kiểm tra, đánh giá, để thỏa thuận và kế hoạch ký kết được đi vào thực tiễn, hiệu quả, tạo ra làn gió mới cho du lịch" - ông Nguyễn Thành Phong đề nghị.

Muốn đón khách quốc tế phải an toàn

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành du lịch nói chung và các ngành liên quan, đặc biệt là ngành hàng không, phải cần nhiều năm nữa mới phục hồi được như trước. Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Dù Việt Nam có mở cửa trở lại mà cả thế giới vẫn còn dịch bệnh thì cũng không ai đi du lịch. Muốn đi phải an toàn và dù có đón khách quốc tế trở lại cũng phải qua các quy trình nghiêm ngặt.

"Cho đến giờ, chúng tôi đã kêu gọi và chỉ đạo các cơ sở y tế, không chỉ là bệnh viện mà tất cả phòng khám, cơ sở y tế tư nhân phải thực hiện tuyệt đối an toàn… Vì nếu làm không tốt, chỉ cần có một ca nhiễm bệnh trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng mọi nỗ lực trong thời gian qua" - Phó Thủ tướng nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo