Chiều 13-5, Thường trực Thành ủy TP HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Dương để trao đổi một số nội dung liên quan đến công tác quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển kinh tế vùng; các dự án kết nối hạ tầng giao thông giữa Bình Dương và TP HCM.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc.
TP HCM đồng ý 11 đề xuất của Bình Dương
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nhấn mạnh thời gian qua, Bình Dương và TP HCM đã có sự phối hợp để cả 2 địa phương cùng phát triển cũng như có những đóng góp lớn cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, trong việc phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì kết nối hạ tầng rất quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng cảng biển. "Bình Dương mong muốn được sự hỗ trợ từ TP HCM trong triển khai các dự án giao thông quan trọng" - ông Nguyễn Văn Lợi nói.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc .Ảnh: TRANG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TPHCM
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đề xuất với TP HCM nhiều nhóm vấn đề, trong đó có các nhóm vấn đề liên quan đến kết nối hạ tầng giao thông.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc mở rộng kết nối các dự án hạ tầng giao thông chính là động lực phát triển của TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam. Ông Phan Văn Mãi nói TP HCM nhất trí với 11 đề xuất mà Bình Dương đưa ra. Trong đó, đối với việc nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, UBND TP HCM thống nhất chủ trương, giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Về vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4 - TP HCM, thành phố thống nhất nội dung kiến nghị của tỉnh Bình Dương về phương án xử lý lệch tuyến đường Vành đai 4 tại vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn (cầu Phú Thuận). Về kết nối đường ven sông Sài Gòn, UBND TP HCM ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời giao Sở Giao thông Vận tải TP tổ chức rà soát quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, các quy hoạch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021 để có sự điều chỉnh hợp lý.
Liên quan các nút giao thông giữa TP HCM - Bình Dương, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành, quận, huyện phối hợp với các đơn vị của tỉnh Bình Dương rà soát, cập nhật quy hoạch, điều chỉnh hướng tuyến phù hợp, bảo đảm đồng bộ, giao thông thông suốt giữa 2 địa phương.
Có tổ công tác chung giữa các tỉnh
Theo ông Phan Văn Mãi, dự án cao tốc TP HCM - Bình Dương - Chơn Thành, sau khi cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, TP HCM sẽ thực hiện các thủ tục tiếp theo. Về dự án này, TP HCM đề nghị Bình Dương đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư dự án theo quy định và TP HCM sẽ phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao thông Tân Vạn, TP HCM đề nghị tỉnh Bình Dương phối hợp cùng thực hiện với quyết tâm cao để hoàn thành dự án. Trong đó, UBND TP đề nghị Bình Dương bố trí 50% nguồn vốn ngân sách địa phương (dự kiến khoảng 996,75 tỉ đồng) để thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dọc xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, việc mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 nhằm phát huy hiệu quả trục giao thông có tính chất kết nối liên vùng.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao nội dung làm việc. Bí thư Thành ủy TP HCM thống nhất với các nội dung kiến nghị của 2 địa phương tại cuộc họp về thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, mở rộng không gian phát triển, có sự liên kết, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng. "Quan điểm xuyên suốt, nhất quán là phải có sự phối hợp chặt chẽ. Cần xác lập cơ chế phối hợp trong vùng, do đó đề nghị thành lập tổ công tác chung giữa các tỉnh, thành" - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Bình luận (0)