Sau lễ hội "Hương xưa làng cổ" được tổ chức vào đầu tháng 5 nhằm hưởng ứng Festival Huế 2018, giờ đây đến làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chúng tôi thấy rất vắng vẻ.
Sau lễ hội là đìu hiu
Phước Tích - ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam, sau Đường Lâm (TP Hà Nội) - hiện còn lưu giữ được 26 nhà rường cổ, 12 nhà thờ họ, 13 điểm di tích khác như chùa Phước Bửu, miếu bà Liễu Hạnh, miếu cây thị, lò gốm, cồn Trèng…
Tưởng chừng có những tiềm năng và nhiều lợi thế thì làng cổ này sẽ thu hút đông du khách, song việc khai thác du lịch ở đây vẫn còn rất khiêm tốn. Theo người dân địa phương, chỉ vào dịp festival, khi làng cổ Phước Tích tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ lễ hội thì du khách mới đổ về đây tham quan; còn những ngày thường hoặc các dịp lễ, Tết, lượng khách rất ít.
Chúng tôi men theo hàng chè tàu xanh mướt dẫn lối vào ngôi nhà rường 3 gian 2 chái có hơn 100 năm tuổi của vợ chồng ông Hồ Văn Diên (65 tuổi). Ông Diên cho hay ngoài các dịp lễ, ngày thường gia đình ông đều mở cửa… chờ khách đến nhưng có thời điểm cả tuần lễ mới có 1 đoàn vào tham quan. "Sắp tới, gia đình được tỉnh hỗ trợ 700 triệu đồng để trùng tu các hạng mục xuống cấp, cải tạo lại sân vườn nhưng không biết có thu hút được nhiều du khách đến tham quan không" - ông Diên trăn trở.
Lượng khách đến với làng cổ Phước Tích vẫn còn ít
Quá nhiều cái khó
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, cho biết hiện có 7 nhà rường đã trùng tu và trong năm 2018 tiếp tục có 8 nhà rường khác được phê duyệt kinh phí trùng tu từ 400 đến 700 triệu đồng/nhà.
Theo ông Thắng, ngoài bảo tồn nhà rường, thời gian qua, đơn vị cùng các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng nhiều dịch vụ du lịch như homestay, chèo thuyền trên sông Ô Lâu, trải nghiệm làm nghề gốm và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật vào dịp festival. Tuy nhiên, lượng du khách đến với làng cổ Phước Tích vẫn còn rất khiêm tốn. Trung bình mỗi năm làng chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách nhưng đa số là khách tự do; khách theo tour khoảng 100 lượt/tháng và chủ yếu là các đoàn nghiên cứu, tham quan học tập mô hình bảo tồn.
Tại đây, chỉ có 7 nhà rường thường xuyên mở cửa đón khách. Ông Thắng cho biết làng Phước Tích có 117 hộ với 300 nhân khẩu nhưng người già đã trên 100 người nên đội ngũ làm du lịch yếu.
Bên cạnh đó, quảng đường từ TP Huế về làng xa, các tour chưa có sự kết nối nên khách về không nhiều. "Mô hình homestay ở làng cũng khó phát triển bởi đối tượng du khách nước ngoài muốn có trải nghiệm cuộc sống với người dân để cùng ăn, cùng ở và trong bữa cơm gia đình phải có 3-4 thế hệ nhưng làng này giới trẻ đi làm ăn xa, nhà có 2 thế hệ đã khó. Làng toàn người già, họ đâu nói được tiếng Anh, trong khi khách Tây lại không muốn có phiên dịch ở cùng nên xảy ra bất đồng ngôn ngữ" - ông Thắng nói về những khó khăn của làng cổ Phước Tích.
"Kiềng 3 chân" thu hút khách
Làng cổ Phước Tích hiện chưa hình thành các tour tuyến kết nối với làng nghề và các điểm đến để du khách trải nghiệm nên phần lớn du khách đến đây chỉ dừng lại ở việc tham quan. "Đặc thù của làng cổ nên chúng tôi không muốn thu hút khách đến một cách ồ ạt mà chỉ cần lượng khách ổn định. Phải mời doanh nghiệp vào đầu tư tour tuyến, mô hình homestay để cùng người dân, ban quản lý sẽ tạo ra kiềng 3 chân mới mong khách đến Phước Tích nhiều và ổn định" - ông Nguyến Hồng Thắng nói.
Bình luận (0)