Bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động của khí thải độc hại là mảng đề tài GS Lê Minh Thắng bền bỉ theo đuổi, chọn làm định hướng xuyên suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình.
Đam mê khoa học
GS Lê Minh Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghiên cứu khoa học. Bố của bà là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mẹ là cựu du học sinh Trường ĐH Bách khoa Budapest (Hungary). Sống cùng ông bà ngoại từ nhỏ (ông là giáo sư nông học, chuyên nghiên cứu về dâu tằm còn bà là giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cô nữ sinh chuyên hóa, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ngày ấy lựa chọn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để hiện thực hóa tình yêu với nghiên cứu khoa học. Năm 1997, bà tốt nghiệp ngành hữu cơ - hóa dầu với điểm tổng kết đứng đầu khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp năm ấy.
Giáo sư Lê Minh Thắng (thứ 2 từ trái qua) làm việc tại phòng thí nghiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DUY THÀNH
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành hữu cơ - hóa dầu tại Vương quốc Bỉ, bà quyết định trở về nước cống hiến và tiếp tục công việc giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. "Tôi say mê nghiên cứu khoa học và mong muốn khơi dậy niềm say mê ấy trong các bạn trẻ, khích lệ sự phát triển nghề nghiệp của các đồng nghiệp nữ. Tôi cùng các đồng nghiệp đã khởi động một số hoạt động giáo dục STEM cho học sinh phổ thông, chuỗi bài giảng đại chúng về khoa học - công nghệ và cuộc sống, kết nối hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp" - GS Lê Minh Thắng nói.
Năm 2009, sau quá trình nghiên cứu trong một dự án hợp tác với ĐH Ghent, có những thành công nhất định về một loại xúc tác không đi từ kim loại quý, có hiệu quả cao, phù hợp để ứng dụng tại các nước đang phát triển, bà tiếp tục nghiên cứu và mở rộng ứng dụng với khí thải công nghiệp từ các quá trình đốt cháy than, chất hữu cơ hoặc nhiên liệu. Hướng nghiên cứu này đã trở thành một công trình khoa học quan trọng và có tính ứng dụng rộng rãi.
Nhiệt huyết với bảo vệ môi trường
"Tìm kiếm xúc tác mới có hiệu quả để xử lý khí thải xe máy" là một trong những đề tài do GS Thắng làm trưởng nhóm nghiên cứu chế tạo, những bộ xúc tác từ hỗn hợp ôxít kim loại chuyển tiếp để thay thế cho kim loại quý; xúc tác từ hỗn hợp các ôxít kim loại chuyển tiếp có giá thành thấp, dễ dàng ứng dụng cho các nước đang phát triển, nơi có nhiều xe máy đã qua sử dụng lâu năm, chi phí thấp như ở Việt Nam. Sản phẩm của nhóm đã được lắp đặt vào xe máy Vespa đã qua sử dụng và thử nghiệm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.
GS Lê Minh Thắng còn có nhiều công trình nghiên cứu khác như xúc tác xử lý khí thải các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ; xúc tác cho phản ứng ôxy hóa chọn lọc propylen/propan từ khí tự nhiên, khí đồng hành, khí từ các nhà máy lọc dầu thành các sản phẩm trung gian có giá trị ứng dụng; xúc tác quang hóa xử lý các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng trong nước thải… Những nghiên cứu về "Chất xúc tác từ ôxít kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước" đã đem lại cho GS Lê Minh Thắng giải thưởng khoa học tầm khu vực.
Với việc đưa ra giải pháp tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường, các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao. Hiện tại, đề tài này đang được hợp tác với một số nhà máy trong công nghiệp có sử dụng các quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Sau gần 25 năm hết mình với những công trình nghiên cứu khoa học, công trình "Xúc tác từ hỗn hợp các ôxít kim loại chuyển tiếp và công nghệ để xử lý khí thải, nước thải công nghiệp và dân dụng" của GS-TS Lê Minh Thắng được nhận giải "Sáng tạo xuất sắc", Giải thưởng sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2021.
Để vừa hoàn thành tốt công việc của một nhà khoa học vừa là một người vợ, người mẹ, GS Lê Minh Thắng chia sẻ điều quan trọng nhất là biết cách tối ưu hóa công việc, tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu suất cao nhất. Việc lên kế hoạch và lựa chọn phương pháp làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến thành công của một nhà khoa học. GS Thắng nói thêm rằng bà may mắn vì luôn nhận được những lời động viên, khích lệ từ gia đình cùng sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. "Công việc này không giống như đi trên con đường trải thảm đỏ, nhàn hạ, sung sướng mà ngược lại, rất vất vả cũng như nhiều khó khăn, thách thức. Một nhà khoa học không chỉ cần tài năng thật sự mà quan trọng hơn là nhiệt huyết" - nữ giáo sư tâm sự.
Công bố 127 bài báo khoa học
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, GS Lê Minh Thắng đã công bố 127 bài báo khoa học, trong đó 37 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế, 1 giải pháp hữu ích, đồng thời chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học (3 cấp quốc tế, 7 cấp bộ), tác giả 3 chương sách. Bà từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận giáo sư năm 2019.
Bình luận (0)