Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; trong đó, có nội dung Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vấn đề bức thiết
Từ năm 2015, nhiệm vụ quy hoạch này đã được phê duyệt; đến đầu năm 2016, UBND TP Hà Nội giao Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này. Cùng thời điểm, TP đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về không gian ngầm cũng như khảo sát điều tra về hiện trạng hệ thống công trình ngầm. Tuy nhiên, sau 3 năm nghiên cứu thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia nhưng đến nay quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn TP vẫn chưa duyệt được.
Nhiều chuyên gia quy hoạch, đô thị cho rằng với những yêu cầu cấp bách hiện nay là về giao thông, rất cần có bước tiến mới về quy hoạch không gian ngầm và kèm theo những chính sách hỗ trợ phát triển, mở rộng. Để tránh tình trạng xây dựng do yêu cầu gấp rút trước mắt sẽ dễ dẫn đến chắp vá, không đồng bộ, gây khó khăn cho các giai đoạn phát triển sau này, Hà Nội cần phải nhanh chóng hoàn thiện phương án quy hoạch không gian ngầm theo các giai đoạn, làm cơ sở để quản lý và khai thác các lớp không gian ngầm khác nhau.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho hay theo quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ (giao thông tĩnh) trên địa bàn TP, 4 quận trung tâm không bố trí được quỹ đất để đầu tư bãi đỗ xe mà chủ yếu dùng bến tạm thời trên vỉa hè. Trong khi đó, theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các bến đỗ xe trên vỉa hè chỉ được xem xét đến năm 2023. Với hơn 550.000 ôtô và khoảng 6 triệu xe máy, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên lưu thông ở Hà Nội, dự báo sau 10 năm nữa, bãi đỗ xe trong khu đô thị trung tâm sẽ còn "nóng" hơn nữa.
Phát triển không gian ngầm được đánh giá là xu thế tất yếu trong quá trình đô thị hóa hiện nay Ảnh: NGÔ NHUNG
Bên cạnh đó, thường một đô thị phải có 3% - 4% diện tích đất dành cho giao thông tĩnh, nhưng hiện Hà Nội mới chỉ dành có 0,3% diện tích đất (tương đương gần 30 ha). Theo tính toán của các chuyên gia, đến năm 2030, nội đô Hà Nội cần đến khoảng 1.400 ha đất để phát triển giao thông tĩnh, đây là thách thức lớn khi quỹ đất eo hẹp. Do vậy, việc dành không gian công cộng để kêu gọi đầu tư các không gian ngầm phục vụ cho thương mại, trong đó có bãi đỗ xe, là rất cần thiết.
Không dễ thực hiện
Về những lợi thế của không gian ngầm, chuyên gia quản lý đô thị Ðinh Quốc Thái nhận định không gian ngầm được xem là "mỏ vàng" của kinh tế nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn khác. Việc phát triển không gian ngầm sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng diện tích cho giao thông và giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông như nhiều nước phát triển đã làm. Ðặc biệt, giao thông ngầm cũng kết nối được nhiều tiện ích khác như không gian đi bộ, thương mại, dịch vụ…
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng quy hoạch ngầm đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam thì lại mới được quan tâm. Đây là đề tài nghiên cứu và bây giờ đã được nâng lên, chuyển thành quy hoạch không gian ngầm và Hà Nội là TP đầu tiên nghiên cứu áp dụng nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là việc cập nhật các không gian ngầm trong TP rất tốn công sức, trước đây TP cũng chú trọng không gian ngầm nhưng nay nó đã trở thành cục bộ. Trong không gian ngầm có nhiều yếu tố thuộc về địa hình, địa chất, tổ chức đời sống, đặc biệt là an ninh quốc phòng cho nên phải có những lựa chọn sàng lọc để nhận diện từng loại không gian ngầm rồi mới khai thác hợp lý. Thứ hai là về tình hình địa chất thủy văn, Hà Nội đã tốn rất nhiều tiền để nghiên cứu, vấn đề này đã có những biến động theo thời gian, với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay thì nảy sinh nhiều thách thức mới nên phải tích lũy những yếu tố mới, kỹ thuật mới thì mới có thể làm được. Thứ ba là với tình hình tài nguyên đất đai hiện nay, việc khai thác không gian ngầm, kết nối những chuỗi liên kết về thương mại dịch vụ, giao thông, xã hội… sao cho hợp lý, vừa giữ cái cũ, thêm cái mới hiện đại, bền vững thì đòi hỏi phải có nguồn lực và tầm nhìn. Điều này không đơn giản.
"Những khó khăn trên đây là thách thức và cũng là những giải pháp cho việc thực hiện quy hoạch ngầm của Hà Nội, giải quyết những vấn đề này tức là đã tìm ra được phương hướng tích cực. Không gian trên mặt đất dễ thu hút nhà đầu tư, dễ xã hội hóa hơn. Tuy nhiên, với không gian ngầm, phải có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để hoàn thiện quy hoạch về không gian ngầm giúp doanh nghiệp ứng dụng ngay, giảm được quy trình đầu tư. Rất nhiều vấn đề cần phải rõ ràng từ đầu như: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu phần công trình… phải điều chỉnh cho hợp lý mới phát triển bền vững loại hình quy hoạch này" - tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô
Theo Công văn số 3106/UBND-KHĐT, ngoài nội dung Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hà Nội chủ trì xây dựng và trình UBND TP xem xét, cho ý kiến hoặc thông qua Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội đô (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng); Quy hoạch phân khu ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (R1-5); Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6); Quy hoạch phân khu đô thị GN (A); rà soát lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bình luận (0)