Chiều 4-11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì họp báo thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Miễn phí 15 ngày đầu chạy tàu
Ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) - đơn vị vận hành dự án, cho biết trong 15 ngày đầu sẽ mở cửa miễn phí với hành khách, sau đó sẽ bán vé. Giá vé lượt từ 8.000-15.000 đồng/chặng (tùy độ dài chặng đi); vé tháng với khách bình thường là 200.000/người/tháng, nhóm ưu tiên là 100.000 đồng/tháng và miễn phí với khách ưu tiên đặc biệt tương tự như khách đi xe buýt. Toàn bộ khách đi tàu được mua bảo hiểm và tính vào giá vé.
Về kế hoạch vận hành, ông Trường cho biết trong năm đầu tiên sẽ chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể giai đoạn 1 (6 tháng đầu), giờ mở tuyến là 5 giờ 30 phút đến 20 giờ hằng ngày. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ khai thác thương mại từ sáng 6-11. Ảnh: NGÔ NHUNG
Nếu khách đông, Metro Hà Nội sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Sau 6 tháng đầu, giờ hoạt động của tàu sẽ tăng lên từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút. Giờ bình thường chạy 10 phút/chuyến, giờ cao điểm là 6 phút/chuyến hoặc theo nhu cầu của hành khách.
Chưa có chỗ gửi ôtô
Dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hạ tầng hiện nay sẽ không có chỗ để gửi ôtô, song với 12 ga sẽ có 12 điểm cho phép người dân được gửi xe máy, xe đạp. Người dân muốn tiếp cận metro có thể phải đi bộ 200 - 400 m.
"Đúng 7 giờ ngày 6-11, Bộ GTVT và UBND Hà Nội sẽ tổ chức bàn giao dự án. Sau khi Bộ GTVT và UBND Hà Nội ký biên bản bàn giao, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức được vận hành thương mại" - ông Tuấn nói.
Theo ông Dương Đức Tuấn, toàn hệ thống vận hành sẽ qua 3 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công và an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000 km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng. Từ ngày 6-11 sẽ thực hiện giai đoạn 2 là khai thác giai đoạn đầu trong 1 năm và sau đó chuyển sang giai đoạn 3 là vận hành bền vững.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết sau 10 năm thi công xây dựng và 13 năm Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thì đây là thời điểm mang tính chất lịch sử để đưa tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và của Hà Nội vào hoạt động. "Vẫn biết đây là kỹ thuật mới, ODA nước ngoài đều là những khó khăn vướng mắc nhưng các bên, đặc biệt là Bộ GTVT, đã vượt qua vô vàn khó khăn" - ông Tuấn nêu rõ.
Nhiều bài học từ dự án đường sắt đô thị đầu tiên
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình triển khai dự án và sắp tới vận hành thương mại đã được nêu ra. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết có rất nhiều bài học rút ra từ dự án Cát Linh - Hà Đông do đây là dự án thí điểm, kinh nghiệm chưa nhiều. Từ khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dự án phải điều chỉnh bổ sung, trình các cấp thẩm quyền vì kéo dài.
Hệ thống quy định của pháp luật với các dự án EPC chưa có, chưa đồng bộ. "Đây cũng là bài học cho việc triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trong tương lai" - ông Đông nói.
Về vấn đề hành khách đi tàu nếu gặp sự cố có được bồi thường, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định luật quy định đi xe buýt hay đi tàu đều được mua bảo hiểm hành khách. Do đó từ ngày 6-11, khi hành khách đầu tiên lên tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay.
Ông Dương Đức Tuấn cho rằng đây là dự án vô cùng phức tạp. "Chúng tôi đã tính tới việc khai thác từ những năm 2014-2015 nhưng không thể vận hành được. Đến nay sau khoảng 3-4 lần "lỡ hẹn" thì chúng tôi mới triển khai khai thác. So với kế hoạch thì thực tiễn khai thác đã chậm khoảng 6 năm" - ông Tuấn nói.
Đề cập về tiến độ dự án chậm nhiều năm, vậy trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án sẽ được xử lý như thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết chủ đầu tư đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chịu trách nhiệm chung khi dự án chậm trễ.
Chủ đầu tư đã làm không tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nghiệm thu dự án chưa thông suốt. "Bộ GTVT sẽ mổ xẻ để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng phần việc và xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Đông cho hay.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được phê duyệt năm 2008 là 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) và sau đó điều chỉnh lên 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD) - tăng tương đương 315,18 triệu USD.
Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc 13.867,1 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD).
Bình luận (0)