Nhằm giảm quá tải, những năm qua ngành y tế TP HCM đặt ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân… Tuy nhiên, tình trạng quá tải bệnh viện (BV) vẫn luôn diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Chầu chực từ khuya
Từ khoảng 1-2 giờ, các chuyến xe mang biển số tỉnh nối đuôi nhau vào BV Chợ Rẫy. Xe vừa dừng, người nhà bệnh nhân tay xách nách mang, đưa người thân vào khu khám bệnh. Nhiều bệnh nhân, thân nhân người bệnh vội vã bốc số rồi tìm ghế đá, chỗ trống trên hành lang tranh thủ ngủ sau một đêm di chuyển. Đến 5 giờ sáng, tất cả ghế đá, hành lang bệnh viện đều đông nghẹt người.
Chị N. (34 tuổi, quê Ninh Thuận), bị đau khớp cổ nên vào đây khám. Khi được hỏi chỉ bị đau khớp cổ sao không khám ở BV tỉnh, chị N. nói chắc lụi: "Vào đây khám mới ra bệnh, mới yên tâm". Do đăng ký khám lúc 4 giờ 30 phút, chị N. bốc số thứ tự 4.200.
Ông Hồ Hải D. (41 tuổi, quê Long An) vào lấy số lúc 5 giờ 30 phút. Chỉ chênh nhau 1 giờ so với chị N., số thứ tự của ông D. vọt lên 5.620. Ông D. nhăn mặt: "Kiểu này chắc cũng phải đến chiều tối. Lần nào đi khám cũng vật vờ chờ đợi".
Cảnh bệnh nhân rồng rắn xếp hàng chờ lấy số lúc nửa đêm tại BV Đại học Y dược cũng tương tự. Vợ chồng ông Nguyễn V.T (58 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) đến BV lúc 22 giờ. Ông T. bảo vợ chồng ông đón tàu lửa từ Phan Thiết vào TP HCM lúc 17 giờ rồi vào thẳng BV cho kịp giờ khám buổi sáng để chiều hôm sau về. Hỏi vì sao phải vào TP HCM khám bệnh, ông T. nói: "Già cả sinh đủ thứ bệnh nên chú với cô lên khám tổng quát một thể luôn. Bà con ở quê khuyên vào đây khám vì có bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại".
Cứ như thế, người bệnh nặng, bệnh nhẹ từ các tỉnh cứ đổ về BV tuyến trên. BV Chợ Rẫy, Đại học Y dược… luôn quá tải là vì thế.
Từ rạng sáng, BV Đại học Y Dược đã đông đúc người chờ khám bệnh. Ảnh: NGỌC HÂN
Xóm trọ giữa BV
Trong khu điều trị nội trú BV Ung Bướu TP HCM, tình trạng quá tải bệnh nhân gần như không cải thiện gì so với trước đây. Ở những phòng lưu bệnh nhân, người bệnh nằm ghép 2, 3 người một giường, chen nhau cả dưới gầm giường, nằm xếp lớp ở hành lang, lối cầu thang.
"Hết chỗ rồi mà trong đó chật chội lắm nên ra ghế đá nằm" - chị Trần Thị Kiều Tiên (quê Sóc Trăng) xởi lởi. Con gái chị đang điều trị khối u ở mắt, đang nằm ở khu bệnh nhi. Phòng bệnh chật chội, chị phải đưa bé ra phía trước phòng khám nằm, may mắn là chị "sở hữu" được chiếc ghế đá trước cửa phòng.
Mỗi bệnh nhân có ít nhất 1 người nhà đi theo chăm sóc. Nhiều người nhà bệnh nhân không có điều kiện thuê phòng ở ngoài nên phải tá túc trong BV khiến không gian trở nên đông đúc, chật chội hơn. Có người đã bám trụ tại BV Ung Bướu TP HCM theo cách này hơn cả năm trời, hình thành nên một… "xóm trọ trong lòng BV". Họ sống vất vưởng như một trại tạm cư dã chiến.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP HCM, nhìn nhận BV Ung Bướu có thể là một trong những cơ sở y tế quá tải nhất cả nước. BV đã dùng mọi biện pháp kéo giảm tỉ lệ quá tải từ 290% còn 150% tại thời điểm hiện tại, có nghĩa là trung bình 1 giường bệnh có 1,5 bệnh nhân nội trú nằm. Mỗi ngày, BV tiếp nhận 2.500 lượt bệnh nhân tới khám, 1.200 bệnh nhân nội trú; chưa kể đang quản lý 9.000 bệnh nhân ngoại trú, trên tổng số 838 giường thực kê. BV có 800 lượt bệnh nhân siêu âm, trong khi chỉ có 12 máy siêu âm hoạt động hết công suất. Hiện khả năng siêu âm hoạt động hết công suất mà người bệnh đã chờ 2 ngày.
Khu đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu TP HCM lúc nào cũng đông nghịt người. Ảnh: Ý LINH
Nỗi khổ tuyến trên
Thực tế lâu nay, việc người bệnh đổ dồn về TP HCM khám chữa bệnh gây ra một thực trạng mất cân đối giữa các tuyến khám chữa bệnh.
Nói về tình trạng người bệnh phải vào BV khám từ khuya, PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Đại học Y Dược TP HCM, chia sẻ đây là vấn đề mà ngành y tế đã và đang phải đương đầu. Chỉ khi nào chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới tăng lên thì lúc đó mới mong bớt cảnh bệnh nhân đổ về tuyến trên. Theo BS Bắc, hiện tổng số lượt người bệnh đến BV khám bệnh, tư vấn mỗi ngày khoảng 8.000 - 8.500 lượt. Riêng khu vực nội trú, số bệnh nhân nhập viện mỗi ngày là 220 người.
Nói thêm tình trạng quá tải, PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc BV Đại học Y Dược, cho hay BV đang có 3 cơ sở với 1.000 giường bệnh nhưng tình trạng vượt công suất vẫn luôn là 104%. Cơ sở dù mới vừa hoạt động chưa được bao lâu, được thiết kế với quy mô 30 giường nhưng nay số bệnh nhân vào cấp cứu đã hơn 100 lượt/ngày. "Chúng tôi triển khai một số giải pháp, thậm chí phải tổ chức đăng ký khám bệnh từ lúc 3 giờ sáng nhưng vẫn không giải quyết xuể"- ông Bình thông tin.
BV Chợ Rẫy tiếp nhận lượng bệnh khổng lồ cả khu vực phía Nam, vì vậy tình trạng quá tải kéo dài triền miên. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày BV khám cho gần 5.500 lượt bệnh nhân. Dù triển khai nhiều giải pháp giảm tải như khám bệnh từ 4 giờ 30 phút, bố trí thêm nhiều phòng khám, đầu tư xây mới cơ sở vật chất.... nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Liên kết để giảm tải
PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn cho biết để chống quá tải, BV Chợ Rẫy thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc liên kết với các BV khác để chuyển bệnh nhân sang. "Đến nay chúng tôi đã liên kết với 13 BV trên địa bàn TP để chuyển bệnh nhân sang như BV Công An, BV Quân đội, BV Bưu điện, một số BV tuyến quận, huyện, BV tư nhân. Sáu tháng đầu năm đã chuyển được gần 7.000 bệnh nhân nội trú ra các BV này để giảm tải" - BS Sơn nói.
Kỳ tới: "Chống ế" cho y tế cơ sở
Bình luận (0)