Ngày 12-10, chính quyền xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng gia đình tổ chức đám tang cho thai phụ Hoàng Thị Phượng (ngụ thôn Phường Hóp, xã Phong An), tử vong thương tâm khi vượt nước lũ đến bệnh viện sinh con.
Dân cầm cự thêm 3-4 ngày
Đám tang của chị Phượng trong cơn mưa trắng xóa, nước lũ dâng cao khiến cho mọi người không khỏi xót xa.
Vượt lũ vào thắp nén hương đưa tiễn chị Phượng, ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, cho biết toàn xã Phong An có khá nhiều nơi bị ngập sâu, đặc biệt là dọc tuyến đường Tỉnh lộ 11 ven sông Bồ lên xã Phong Sơn. Đây là vùng hạ du, cách đập thủy điện Hương Điền không xa nên xã luôn thông báo và tổ chức canh trực ở những điểm nước sâu, xung yếu, tuyên truyền cho người dân để bảo đảm an toàn. Sáng 12-10, khi chị Phượng có dấu hiệu trở dạ, chồng chị là anh Nguyễn Văn Minh liền đưa đến bệnh viện. Khi chuẩn bị lên ghe thì anh Minh quay lại nhà để lấy thêm đồ đạc. Tình thế nguy cấp, chị Phượng nhờ một người cho ghe chở đến bệnh viện trước. Khi gần cập bờ thì bất ngờ chị Phượng rơi khỏi ghe, bị nước cuốn trôi. Đến trưa cùng ngày, thi thể chị mới được tìm thấy.
Trong số 5 người ở Thừa Thiên - Huế bị tử nạn do lũ thì huyện Phong Điền có 2 nạn nhân, cùng với 7 người bị thương. Cũng như chị Phượng, gia cảnh anh Dương Phước Hải (ngụ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) rất khó khăn. Anh Hải làm nghề phụ thợ hồ, mẹ mất sớm, cha bị tàn tật, vợ là công nhân, có 2 con nhỏ. Vào đêm 7-10, khi nước lũ dâng cao, anh đi ghe vào hồ Bàu Sen (thị trấn Phong Điền) để bắt chim thì bị lật thuyền, 2 ngày sau mới tìm được thi thể.
Phong Điền là huyện xa nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương ngăn cách với tỉnh Quảng Trị bởi con sông Ô Lâu. Tính đến ngày 12-10, ngoài thiệt hại về người, huyện này có hơn 13.000 hộ dân bị ngập, trong đó có 2.550 hộ phải sơ tán.
Chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó lũ lụt trong ngày 12-10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các cấp, các ngành dốc hết sức mình cứu giúp người dân.
Đến 21 giờ ngày 12-10, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường để xác minh thông tin và cứu hộ nhóm hơn 10 công nhân thi công công trình thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, bị mắc kẹt do mưa lũ gây sạt lở, vùi lấp nhà công trình. Nguyên nhân vì dọc đường Tỉnh lộ 71 có nhiều đoạn nước lũ dâng cao gây ngập và hàng loạt điểm sạt lở kéo dài. Trưa cùng ngày, sau khi nhận tin báo có vụ sạt lở đất vùi lấp khu nhà đang có hơn 10 công nhân ở công trình trên, lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Phong Điền đã tức tốc lên đường xác minh, ứng cứu. Tuy nhiên, sau đó thì hoàn toàn mất liên lạc với người báo tin.
Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể thai phụ Hoàng Thị Phượng bị nước cuốn trôi. Ảnh: QUANG TÁM
Miền Trung chịu nhiều thiệt hại
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, trong ngày 12-10, nhiều nơi tiếp tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông đều lên nhanh. Các hồ chứa nhỏ, vừa đã tích đầy nước, chảy qua tràn. Hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị buộc phải xả nước điều tiết lũ.
Ghi nhận tại huyện miền núi Đakrông, trong ngày 12-10 mưa xối xả, lượng mưa đo được phổ biến từ 177-325 mm. Huyện này đã di dời khẩn cấp hơn 1.200 hộ dân với gần 5.000 người đến nơi an toàn. Ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị, đến cuối ngày 12-10, hàng chục ngàn nhà dân vẫn còn chìm trong nước lũ. Đến nay, tại tỉnh Quảng Trị đã có 7 người chết, 6 người mất tích và 3 người bị thương do mưa lũ; gần 8.000 hộ với 23.000 người đã được di dời đến khu vực an toàn.
Tại tỉnh Quảng Bình, sau những ngày chạy lũ, nước vừa rút xuống, người dân bắt đầu trở về, dọn dẹp nhà cửa trong cảnh hoang tàn. Ở vùng "rốn lũ" Tân Hóa của huyện Minh Hóa, đồ đạc nằm ngổn ngang; rác thải, bùn đất từ khắp nơi trôi về vây lấy thôn làng, trường học. Thầy cô, phụ huynh và đoàn viên thanh niên của xã tất bật dọn dẹp vệ sinh. Hiện tại, 80 trong tổng số 2.387 học sinh của trường vẫn đang bị mắc kẹt trong lũ, chưa thể quay lại trường.
Huyện Lệ Thủy là nơi có nhà dân bị ngập nhiều nhất của tỉnh Quảng Bình, với hơn 9.000 nhà đang còn bị ngập sâu từ 1-3 m, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại; nhiều đồ đạc, vật nuôi của bà con bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề.
Trong ngày 12-10, tại TP Đà Nẵng đã ngưng mưa, một số khu dân cư nước bắt đầu rút, người dân được trở về nhà. Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn TP Đà Nẵng có hơn 900 hộ phải di dời với hơn 3.000 người, trong đó chủ yếu tại huyện Hòa Vang. Hiện vẫn còn hơn 200 hộ với 657 người chưa thể về nhà do bị nước lũ cô lập. Trong ngày, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã bàn giao thi thể 1 ngư dân trên tàu cá bị chìm cho gia đình làm thủ tục mai táng; đang tiếp tục tìm kiếm 1 thuyền viên tàu cá bị chìm, 2 người dân bị nước cuốn trôi ở huyện Hòa Vang.
Sau gần một tuần mưa trút liên tục, nhiều nơi ở Quảng Nam trời có nắng. Tuyến Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Quảng Nam đến chiều 12-10 được lưu thông trở lại bình thường. Trong ngày, tại tỉnh có thêm 4 người tử vong. Cụ thể, khoảng 8 giờ sáng 12-10, khi nước lũ bắt đầu rút, em Hứa Thị Kiều Vy (học sinh lớp 8) và em Hứa Đại Công (học sinh lớp 10; cùng ngụ thôn Triều Châu, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) cùng một nhóm trẻ em ra đường chơi thì không may hai em bị rớt xuống dòng nước lũ mất tích. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, thi thể 2 nạn nhân được tìm thấy.
Trước đó, sáng 12-10, khi nước bắt đầu rút, bà Tôn Nữ Thị Minh Hiếu (SN 1964) và con trai là Nguyễn Minh Tâm (SN 1993; ngụ khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) tranh thủ dọn dẹp nhà cửa thì không may bị điện giật tử vong.
Trong khi đó, tới chiều 12-10, dù huy động nhiều lực lượng tìm kiếm nhưng do nước lớn và chảy xiết, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy tung tích 3 ngư dân bị mất tích tại huyện Núi Thành vào ngày 11-10. Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có ít nhất 11 người chết và mất tích do mưa lũ.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 12-10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 23 người chết, 18 người mất tích và 20 người bị thương; 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập nước. Hiện vẫn còn 176 xã, phường với 94.277 hộ ở miền Trung bị ngập.
Khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó bão số 7
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia chiều 12-10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 7 (tên quốc tế là Nangka). Dự báo đến 16 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão xuất hiện trên vùng biển ven bờ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Từ ngày 14 đến 16-10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
Trước tình hình trên, chiều 12-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 1393/CĐ-TTg, yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tiếp tục ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7, áp thấp nhiệt đới. Thủ tướng yêu cầu các cấp ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; kịp thời sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; cứu trợ khẩn cấp lương thực, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở.
V.Duẩn
Cùng Báo Người Lao Động cứu trợ đồng bào miền Trung
Những ngày mưa lũ dồn dập sau bão số 6 đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân miền Trung. Ngoài thiệt hại lớn về nhân mạng (23 người chết, 18 người mất tích, 20 người bị thương), bão lũ đã nhấn chìm nhiều vùng đất, gây thiệt hại hoa màu, vật nuôi; nhà cửa đổ sập, hư hại; hàng vạn hộ dân phải di dời chạy lũ, đời sống thêm khó khăn chồng chất...
Ngay trong ngày 12-10, Báo Người Lao Động đã trao 50 triệu đồng ủng hộ người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do lũ lụt. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Chất, Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế (bìa phải), tiếp nhận cứu trợ
Để hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua đói rét, nhọc nhằn vì chống chọi với mưa lũ, Báo Người Lao Động mong mỏi các nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp và bạn đọc cùng chung tay góp sức, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, "lá lành đùm lá rách", giúp nhau qua hoạn nạn.
Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: "Cùng Báo Người Lao Động cứu trợ đồng bào miền Trung".
Báo Người Lao Động sẽ tổ chức cứu trợ, nhanh chóng chuyển đến đồng bào vùng mưa lũ. Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.
Ban Biên tập Báo Người Lao Động
Bình luận (0)